Từ vụ chạy bệnh án tâm thần, chạy điểm:Để không còn hội chứng "chạy"?

Thứ Bảy, 18/08/2018, 09:25 [GMT+7]

Hậu quả của cái sự “chạy” để mua điều giả dối là khôn lường. Nó thách thức tính nghiêm minh của luật pháp, gây rối loạn trật tự xã hội.
 
Trong dư luận xã hội, mỗi khi bàn đến chuyện việc làm ở cơ quan này, đơn vị kia; mỗi khi nói đến chuyện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; thậm chí thi vào trường học nào thì từ “chạy” lại được nhắc đến với sự ám chỉ “chi một khoản tiền để chạy chọt” như việc mặc nhiên phải thế. Thực trạng nhức nhối này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới từ lâu, nhưng “vẫn chậm được ngăn chặn”. Và nó vẫn chậm, vẫn khiến người dân hao mòn lòng tin khi nó đã trở thành hội chứng, đã bám rễ vào nhận thức của nhiều người.
 

1
Phát hiện đường dây bác sĩ "chạy" bệnh án tâm thần cho tội phạm ở Hà Nội (Ảnh minh họa)


Câu chuyện “chạy điểm” trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chưa lắng xuống, dư luận lại bất bình trước thông tin Công an Hà Nội điều tra và phát hiện một đường dây “chạy” bệnh án tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan công an với giá mỗi giấy chứng nhận vài chục triệu đồng. Rồi, trong khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người liên quan đến ôtô, thì người ta chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng là “chạy” được ngay cái bằng lái xe.

Hậu quả của cái sự “chạy” để mua điều giả dối là khôn lường. Nó thách thức tính nghiêm minh của luật pháp; gây rối loạn trật tự xã hội; ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân; đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đến niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền, niềm tin giữa người với người trong xã hội.

Cái sự “chạy” ấy, lần nữa được nhắc tới trong lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Nguyễn Đắc Vinh khi nói về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Từ thực tế của địa phương, ông Vinh chia sẻ rằng, “Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia... Ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm chuyện nọ chuyện kia”. Với chủ trương sắp xếp các xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Đề án của Bộ Nội vụ thì việc 3 xã nhập thành 1; 3 bộ máy cấp ủy, chính quyền chỉ còn 1, cùng một bộ phận cán bộ dôi dư là đương nhiên. Vì thế, ai cũng lo lắng cho cái “ghế” ngồi, chỗ đứng của mình, và họ tìm mọi cách để “chạy”.

Có một thực tế mà dường như mặc nhiên được xã hội thừa nhận. Đó là bất kể việc gì cũng có thể “chạy”. Từ chạy việc, chạy dự án, chạy nhà, chạy đất, chạy trường, chạy tội đến chạy chức tước, địa vị. Không biết tự lúc nào, mỗi khi có thay đổi liên quan đến nhân sự, bất kể cấp nào, ở đâu, điều đầu tiên người ta nghĩ tới, râm ran trong dư luận là giá “chỗ” này bao nhiêu, giá “chỗ” kia thế nào. Họ bất chấp tất cả, kể cả chấp nhận hư hao tài sản; biến nhà, đất, biệt thự, xe sang; biến ngoại tệ và nhiều thứ giá trị khác nữa, thành “quà biếu, tặng”, luồn lách cửa sau để làm sao đạt được mục đích là “chạy chức, chạy quyền”.

Thực trạng nhức nhối “Chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, chạy luân chuyển, chạy đủ thứ” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra từ lâu, và đặt câu hỏi day dứt “chạy ai? ai chạy?”. Sau đó là hàng loạt vụ việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, quy định, trái pháp luật ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương bị phanh phui; hàng loạt cán bộ được ưu ái với mục đích “không trong sáng” bị xử lý kỷ luật, bị thu hồi quyết định bổ nhiệm sai. Nhưng vì sao người dân vẫn bức xúc? Vì sao vẫn có những cán bộ “quyền cao chức trọng”, được đánh giá là “có năng lực”, nhưng khi xảy ra sai phạm, nói đến “trách nhiệm” thì lại né tránh, lại ngụy biện rằng “kém hiểu biết”? Vì sao thực trạng ấy “vẫn chậm được ngăn chặn” như nhận định của Tổng Bí thư ngay tại phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XII vừa qua?

Sẽ không thực tế khi nói rằng “không còn chạy chức, chạy quyền”. Bởi dường như lúc nào nó cũng tồn tại trong mặt trái sự vận động của xã hội; bởi đồng tiền luôn có sức hút, là ma lực làm hư hỏng con người, lũng đoạn các mối quan hệ. Nhưng, nếu như tính dân chủ, minh bạch được thực hiện nghiêm túc; nếu như bít được những lỗ hổng trong cơ chế luật pháp; nếu như không dung túng cơ chế đặc quyền, đặc lợi; nếu như “nhốt được quyền lực vào lồng quy chế”, thì sẽ không còn những con người đứng trên luật pháp; không còn “hội chứng chạy” – một trong những khởi nguồn gây nên ẩn ức, bất ổn; khởi nguồn của tệ nạn tiêu cực, tham nhũng trong xã hội./.

 

 

Theo VOV

.