Ai dám lên tiếng khi người đứng đầu lạm quyền, lộng hành?

Thứ Hai, 13/08/2018, 10:21 [GMT+7]

Cơ quan tổ chức, đoàn thể, người dân có quyền giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Nhưng giám sát, kiểm soát như thế nào, bằng cách nào?
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Vì thế, phải thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn. Nhưng, câu hỏi đặt ra là, cơ chế ấy được thiết lập như thế nào? Ai là người kiểm soát, giám sát? Việc tổ chức kiểm soát, giám sát liệu có thực chất hay không? Nếu chưa trả lời được câu hỏi đó, nếu chưa có cơ chế thực thi thì quyền lực tiếp tục bị lợi dụng; tiếp tục là công cụ để người có chức vụ, quyền hạn thoái hóa biến chất sử dụng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
 

1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.


Tại Hội nghị sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm nay do Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình - Kiều Bình Chung thẳng thắn nêu thực tế, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và người dân khó thực hiện chức năng giám sát, vì “gặp Bí thư thôi, còn ngán!”
Không chỉ riêng quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh mà đây là một thực tế ở hầu khắp các cấp ủy, đơn vị, địa phương. Chính vì thế mà mặc dù vẫn biết công tác cán bộ của Đảng lâu nay gây rất nhiều bức xúc trong cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân; vẫn biết quyền lực một khi đã bị tha hóa thì sẽ đẻ ra mọi cái xấu xa, cái hư hỏng của cán bộ; vẫn biết nó là mầm mống phát sinh, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng; vẫn biết kiểm soát quyền lực và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu là những biện pháp thiết thực phòng ngừa vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, nhưng để kiểm soát được, thì phải nói, đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Khó khăn là bởi, nhiều người sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng lợi ích bản thân nên chọn cách im lặng trước tiêu cực. Ai dám nói người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ? Ai dám khẳng định có chuyện “chạy chức, chạy quyền”? Ai dám lên tiếng khi người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền,“nâng đỡ không trong sáng”, bố trí cán bộ, bổ nhiệm cán bộ cùng “cánh hẩu”? Ai dám cho rằng, người đứng đầu lợi dụng quy định, quy trình bổ nhiệm cán bộ, lợi dụng tập thể để vụ lợi cá nhân và một nhóm người?

Thực trạng ấy, đáng tiếc, ở nhiều nơi, nhiều cấp nhưng không được xử lý nên sai phạm nối tiếp sai phạm, chỉ đến khi người dân, báo chí lên tiếng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì nó mới bị bung vỡ, một số người đứng đầu mới bị quy trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, sử dụng quyền lực. Một loạt cán bộ, từ cấp Trưởng phòng đến cấp Vụ, cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng; từ đứng đầu cấp ủy đơn vị, đến tướng lĩnh công an, quân đội, rồi Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật; một loạt người đứng đầu trước khi “hạ cánh an toàn” ký quyết định bổ nhiệm hàng chục, hàng trăm cán bộ bị điểm mặt chỉ tên, minh chứng cho thực trạng đó.

Khó khăn nữa, nói rằng các cơ quan tổ chức, đoàn thể như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, người dân có quyền giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Nhưng giám sát, kiểm soát như thế nào, bằng cách nào? Ai, cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức giám sát, kiểm soát, phải qua những tầng nấc nào thì chưa rõ, chưa có cơ chế thực hiện. Thiếu cơ chế, đương nhiên, quyền lực của người đứng đầu không chịu sự kiểm soát, giám sát, họ có thể dùng quyền lực để chi phối mọi hoạt động của cấp ủy, cơ quan, đoàn thể, tác động đến mọi cá nhân trong địa bàn, lĩnh vực họ phụ trách mà không vấp phải sự cản trở nào.

Vậy nên, việc xây dựng quy định về kiểm soát chặt chẽ quyền lực người đứng đầu, chống chạy chức, chạy quyền, tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực bằng pháp luật là yêu cầu cấp thiết trong công tác cán bộ hiện nay. Có thế đánh giá cán bộ mới thực chất, sử dụng cán bộ mới hiệu quả. Có thế thì “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân”./.

 

 

Theo Đàm Hoa/VOV

.