Từ tăng trưởng đến phát triển bền vững không chỉ là thay đổi tên gọi
Để đi đến “phát triển bền vững” là quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết về những gì được xem là mục đích, ý nghĩa thực sự của sự phát triển.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức vào chiều 5/7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những diễn giả đã trình bày các nội dung thời sự như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững với tốc độ cao ở Việt Nam, để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với quyết tâm và bước đi chiến lược hơn, quyết liệt hơn để hội nhập sâu rộng hơn.
Chia sẻ về vấn đề phát triển bền vững, Thủ tướng cho rằng, từ tăng trưởng đến phát triển kinh tế, phát triển bền vững, không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, ẩn sau đó là những nội hàm sâu sắc, xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Để đi đến khái niệm “phát triển bền vững” là quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế, như cách hiểu truyền thống, nhằm chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân/trên người. Tuy nhiên, thước đo về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị phê phán là có nhiều hạn chế.
Có những nước, mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân rất khác nhau. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân/người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi từ thành quả này. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và giữa các vùng miền, là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội.
Để khắc phục nhược điểm của thước đo tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong ấn bản thường niên về Báo cáo Phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh “mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển” và Chỉ số Phát triển con người HDI ra đời từ đó. Tuy nhiên, tư duy phát triển không phải là chân lý đã hoàn tất, mà là một quá trình tiếp tục hoàn thiện.
“Đến nay, Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao cho phát triển bền vững. Vì vậy, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc chính là sự gợi mở về mặt chiến lược để Việt Nam xác định chiến lược cải cách của mình lồng ghép các mục tiêu phát bền vững vào các kế hoạch hành động. Việt Nam tự tin sẽ đạt, thậm chí vượt trước các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030 của Liên Hợp Quốc”
Nhất trí với các báo cáo và kiến nghị, đề xuất về phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng, mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình, và chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững. Điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện thể chế chính sách để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm vun đắp, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn.
“Chính phủ cam kết đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người dân, cam kết không ai bị bỏ lại do thiếu cơ hội học tập, tiếp tục quan tâm hơn nữa phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng nhau nỗ lực hợp tác xây dựng thể chế vững mạnh, một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, môi trường sống trong lành, xã hội phát triển hài hòa, thịnh vượng./.
Theo VOV