Cơ quan kiểm tra, giám sát đã chủ động phát hiện sai phạm chưa?

Chủ Nhật, 08/07/2018, 15:25 [GMT+7]

Tại sao cả một tập thể, cả một tầng nấc, hệ thống thanh tra, kiểm tra dày đặc từ trên xuống dưới, từ dọc sang ngang vẫn không phát hiện được sai phạm?

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 27 thêm một lần nữa khiến người dân vững tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Nhưng qua đây cũng cho thấy, còn những băn khoăn, lo lắng nhất định trong một bộ phận đảng viên và người dân, rằng vì sao chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, những góc khuất, những “dây nhợ” bám rễ, làm mục ruỗng cơ quan đơn vị, làm tha hóa cán bộ, bòn rút công sản lâu nay, mới được lộ sáng?

x
Kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.


Sau những ồn ào, lo ngại, thậm chí có những lời gièm pha “chống tham nhũng đánh vào không trung; tham nhũng vẫn duy trì ở mức “ổn định”, thì nay, mỗi người dân và cả dư luận quốc tế luôn ngóng trông, đợi chờ vào mỗi kỳ họp cùng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Không trông ngóng, đợi chờ sao được khi mỗi kỳ họp, mỗi kết luận được Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban ra đều chỉ đích danh từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có sai phạm và bị kỷ luật, bất kể là ai, về hưu hay đương chức, chức to hay chức nhỏ, diện Trung ương, Bộ, ngành quản lý hay cấp địa phương quản lý.

Những kết luận của kỳ họp lần thứ 27 vừa qua, thêm một lần nữa chứng minh một điều rằng, không có vùng cấm, không có khoảng tối, càng không có khái niệm “lĩnh vực nhạy cảm” trong phòng chống tham nhũng. Mọi sai phạm từ lâu hay vừa xảy ra, bất kể cấp nào, ngành nghề lĩnh vực nào, khi “thượng phương bảo kiếm” soi tới, mọi việc đều sẽ tỏ tường. Ngay cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm như “công an, quân đội”, “đội mũ” bí mật quốc gia, luôn tưởng chừng “bất khả xâm phạm” nay phát hiện sai phạm đều được xử lý công khai trước toàn Đảng và công bố rộng rãi trước toàn dân.

Dư luận nhân dân và đảng viên từ chỗ băn khoăn, nghe ngóng về lời tuyên bố phòng chống tham nhũng của Đảng khi “nói nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu”, dần sang đến “bán tín, bán nghi, chờ đợi”, nay đến ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối vào quyết tâm chống tham nhũng tới cùng của Đảng ta.

Tất nhiên những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới chỉ là bước đầu. Rồi đây hai tướng trong quân đội sai phạm nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật là sai phạm gì; ký vượt thẩm quyền cho phép tư nhân kinh doanh nhà hàng, quán bar, sân bóng đá, trung tâm thương mại ở những đâu, giai đoạn nào sẽ được Bô Quốc phòng cùng cơ quan hành pháp, tư pháp làm rõ. Thậm chí, những quyết định sai phạm đó giờ phải thu hồi ra sao, lấy lại tài sản công là đất đai và cả tiền bạc công cho nhà nước là bao nhiêu. Vụ AVG hay vụ bán đất công của công ty Tân Thuận ở TPHCM là một ví dụ sinh động về việc thu hồi tài sản công cho Nhà nước, cho nhân dân!

Đó mới là cái đích hướng tới. Đó mới là cái toàn dân mong chờ. Bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, phải làm sao, mỗi cán bộ đảng viên không được tơ tưởng tới một xu của công, của ngân sách. Sai phạm phải bị trừng trị, cái xấu xa phải bị nhân dân căm ghét.

Một điểm nữa cũng cần lưu tâm là, dù đồng tình cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật và kiến nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, song dư luận cũng băn khoăn: Tại sao, phải đến khi các cơ quan Trung ương vào cuộc, mọi chuyện mới rõ ràng.

Việc phải đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kiểm tra mới "lộ sáng" những góc khuất ở các cơ quan đơn vị khiến nhiều người đặt câu hỏi: Cơ quan thanh tra, kiểm tra ở cơ sở đã thật sự chủ động phát hiện sai phạm chưa, nhất là sai phạm của người đứng đầu hay còn nể nang, né tránh, hoặc không đủ bản lĩnh, dũng khí?! Có hay không việc bao che cho sai phạm, thậm chí có những quyền lực vô hình làm tê liệt hệ thống thanh tra, kiểm tra ở cơ sở.

Những câu hỏi, những băn khoăn, nghi ngại của người dân, đảng viên không phải là không có cơ sở. Bởi ở mỗi đơn vị, có cá nhân khiếm khuyết, yếu kém có thể hiểu được, nhưng cả một tập thể, cả một tầng nấc, hệ thống thanh tra, kiểm tra dày đặc từ trên xuống dưới, từ dọc sang ngang vẫn không phát hiện được ra, thì đó khó có thể biện minh rằng yếu kém, năng lực có hạn, mà ít nhiều phải có bóng dáng của một bàn tay quyền lực trong đó làm vô hiệu hóa hệ thống kiểm tra, giám sát.

Người dân đợi chờ và mong mỏi như tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, cấp nào không phát hiện được sai phạm, tham nhũng, để cấp trên phát hiện xử lý thì người đứng đầu cấp đó, cả người đứng đầu của địa phương, bộ ngành lẫn người đứng đầu cơ quan thanh kiểm tra đó, phải chịu trách nhiệm. Chỉ có kỷ luật thép và công khai trước toàn dân về xử lý sai phạm đó, bất kể các cấp mới thực sự làm người dân thỏa mãn, Đảng ta mới thực sự hài lòng về công tác diệt trừ giặc nội xâm hiện nay./. 

 

Theo VOV.VN

 

.