Chính quy công an xã thì lực lượng dôi dư bố trí thế nào?
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải xây dựng lộ trình rất cụ thể, phù hợp và nhất là đánh giá tác động trong sắp xếp đội ngũ công an xã hiện nay.
Đây là một trong những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường, ngày 14/6.
Cần thận trọng, có lộ trình
Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, về cơ sở pháp lý, việc bố trí lực lượng công an chính quy tại xã nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa nhằm bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh ở nông thôn, đô thị hiện nay ngày càng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội và các loại tội phạm hình sự nhưng công tác bảo đảm an ninh, trật tự cấp xã còn nhiều yếu kém. Lực lượng công an xã còn chưa đủ mạnh, yếu về chất lượng, thiếu về số lượng đòi hỏi phải tăng cường mọi mặt để công an xã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) |
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý dự án cần phải cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình từng bước chính quy hóa lực lượng công an xã, tránh xáo trộn và ảnh hưởng đến lực lượng công an xã đang hoạt động hiện nay.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) cho rằng việc dự kiến điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế để đảm nhận nhiệm vụ chính quy ở công an cấp xã tuy không làm tăng biên chế nhưng để đảm bảo sự ổn định của bộ máy chính quyền thì cần phải xây dựng một lộ trình rất cụ thể, phù hợp, không làm đồng loạt và ồ ạt.
Cùng với đó là ban hành chính sách cụ thể về việc sắp xếp, bố trí lại công việc cũng như giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho đội ngũ trưởng, phó và công an viên cấp xã hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) thì băn khoăn, Chính phủ, Bộ Công an đã đầu tư nhiều kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất để mở các lớp đào tạo hệ trung cấp công an cho lực lượng công an xã mà chủ yếu là các trưởng, phó công an xã. Chủ trương chính quy hoá sẽ gây lãng phí lực lượng đã được đào tạo nghiệp vụ bài bản, gây tâm lý không tốt cho những cán bộ công an cả về công việc mới cũng như chính sách đãi ngộ.
Một vấn đề nữa mà nữ đại biểu đặt ra là tình huống nếu địa phương xảy ra cục bộ, trưởng, phó công an xã từ nơi khác về khó được bầu ngay vào cấp ủy và HĐND. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phối hợp giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội của trưởng, phó công an xã.
“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ cần xem xét kỹ hơn, cần thực hiện từng bước có lộ trình, trước hết thực hiện với những nơi có tình hình diễn biến phức tạp và cần thiết trước” – bà Nguyễn Thị Phúc kiến nghị.
Còn vấn đề bỏ ngỏ
Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, hướng chuyển đổi mô hình tổ chức công an xã từ bán chuyên trách kết hợp chuyên trách sang chuyên trách hoàn toàn là có cơ sở, song chưa vững chắc nên cần thận trọng.
Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) |
Theo ông Tường, trong báo cáo tổng kết và nhiều ý kiến cho rằng tổ chức công an cấp xã không có lực lượng bán chuyên trách thì không thể có thế trận an ninh vững chắc và không có được phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng.
Vì là người địa phương, hơn ai hết họ nắm được tình hình, hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dễ hòa nhập, gắn bó với cơ sở, do vậy điều kiện nắm, phát hiện các vấn đề nảy sinh, giải quyết và tham mưu hiệu quả, đúng hướng.
Từ lý do trên, đại biểu đề nghị xây dựng một điều về công an bán chuyên trách cấp xã, bổ sung các điều có liên quan để phù hợp với thực tiễn hiện nay theo hướng quy định về nguyên tắc tổ chức, chế độ, chính sách, còn các vấn đề khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
“Trong nhiều năm tới, mô hình công an cấp xã, thị trấn là sự kết hợp giữa chuyên trách và bán chuyên trách vẫn là mô hình tiết kiệm ngân sách và hiệu quả nên cần luật định về vấn đề này” – ông Phan Văn Tường nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) cũng nêu những vấn đề còn bỏ ngỏ mà trong báo cáo đánh giá tác động chưa thấy trả lời. Theo báo cáo có 8.516 trưởng công an cấp xã, thị trấn, 13.580 phó công an cấp xã, thị trấn nhưng báo cáo đánh giá tác động không tổng kết bao nhiêu công an viên sẽ được thay thế bằng lực lượng chính quy.
“Một câu hỏi lớn đặt ra: Lực lượng này sẽ giải quyết công ăn việc làm và ổn định về mặt tổ chức như thế nào?” – ông Hồng nêu vấn đề, đồng thời lưu ý khi chuyển một lực lượng chuyên trách từ nơi khác đến thì việc giải quyết từ chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho cán bộ và gia đình họ như thế nào để người ta ổn định, an tâm công tác./.
“Đáng tiếc!” Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) bày tỏ “đáng tiếc” khi có cả quá trình đánh giá tác động từ Pháp lệnh công an xã nhưng vấn đề chuẩn hóa lực lượng công an xã như thế nào lại chỉ nằm gọn trong một khoản của một điều luật trong dự thảo Luật CAND, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết. “Quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công an xã sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, cần phải cụ thể hóa bằng luật. Nếu chúng ta thực hiện bằng một Nghị định của Chính phủ thì sẽ trở thành nghị định hóa Pháp lệnh công an nhân dân” – nữ đại biểu nói./. |
Theo Ngọc Thành/VOV.VN