Tinh thần đoàn kết cả dân tộc mới là vũ khí vô địch
Việc hòa hợp, hòa giải dân tộc đòi hỏi phải có thời gian nhưng đồng thời phải có giải pháp để có thể hóa giải được những cản trở.
Đã 43 năm trôi qua, kể từ khi non sông thu về một mối, nhưng những ngày 30/4 lịch sử này luôn là lúc chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc; luôn là lúc nhắc nhớ những câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “không ai lựa cửa để sinh ra, không để quá khứ ràng buộc tương lai”.
Những câu nói ấy đã khái quát về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta và làm lay động suy nghĩ của nhiều người, cả với người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Nếu như biết khoan dung, nếu cùng chung một đích đến với tư cách là những con dân đất Việt, con cháu Lạc Hồng thì sẽ tạo nên sức mạnh, mới xây dựng được cơ chế nhà nước thật sự của dân, vì dân.
Phải nhắc nhở nhau vì "lẽ sống còn"
Bàn về vấn đề này, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc đã được nhắc đến từ lâu, nó bắt nguồn từ đạo lý của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần này còn được cụ thể hóa bằng câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1972 “vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Tuy nhiên cứ mỗi dịp 30/4, chúng ta vẫn phải nhắc đến điều đó bởi dân tộc Việt Nam có hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt. Trong suốt chiều dài nghìn năm lịch sử, liên tục phải đoàn kết để vượt qua những thử thách hiểm nghèo để chống các cuộc xâm lăng từ bên ngoài, khối đoàn kết ấy đòi hỏi mỗi một người dân phải có ý thức sâu sắc rằng sức mạnh của cộng đồng là cái lẽ tồn vong của chính bản thân mình.
Sau mỗi cuộc chiến tranh, sự rạn nứt trong cộng đồng là một hiện tượng khó tránh, bởi chiến tranh là chết chóc, là mất mát, là hận thù. Vì vậy, ngoài việc chúng ta nói về truyền thống nhân ái, về đạo lý, chúng ta phải nhớ một điều cao hơn cả đạo lý, đó là “lẽ sống còn”. Dân tộc này không đùm bọc lẫn nhau thì sẽ đứng trước nguy cơ “còn hay mất”. Đấy là cái lẽ bao trùm lên tất cả.
Chúng ta không chỉ nhắc tới một lần, trong một sự kiện hay một dịp nào đó, mà chúng ta phải nhắc nhở nhau mãi mãi, vì đó chính là “lẽ sống còn” của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Hòa hợp dân tộc không phải “ngày một, ngày hai” mà là quá trình dài, Đảng ta sau nhiều kỳ Đại hội đã đề ra những chủ trương, ban hành nhiều Nghị quyết nhất quán về “đại đoàn kết”, “hòa hợp dân tộc”. Đó là điều kiện tối quan trọng với mong muốn là tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân.
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chỉ là những tác động tích cực. Cuộc sống cần tổng thể nhiều giải pháp để người ta nhận ra vấn đề hòa giải, hòa hợp không còn là câu chuyện của từng gia đình, chúng ta phải hướng tới điều cao cả hơn, đó là khối đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, một dân tộc có lịch sử văn hiến như Việt Nam, một dân tộc được các dân tộc khác trên thế giới đánh giá cao như dân tộc Việt Nam ngày nay, chúng ta phải trở thành một khối để có thể phát huy đến mức cao nhất những gì mình đã có, biến thành những lợi thế trong cạnh tranh quốc tế hiện nay.
Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc không phải chỉ ở người dân mà ngay từ những cán bộ trong các cơ quan công quyền cũng cần nghiêm túc nhìn lại. Lấy dẫn chứng cụ thể về sự kỳ thị về mặt lí lịch mà lâu nay vẫn tồn tại, ông Vũ Minh Giang nhận định, một thái độ không khoan dung ở một cán bộ nào đó, một địa phương nào đó đối với những người có gia đình hay có một lịch sử gia đình không được suôn sẻ trong chiến tranh, đôi khi cũng gây khó khăn trong tiến trình hòa hợp.
Vì vậy, việc hòa hợp, hòa giải dân tộc đòi hỏi phải có thời gian nhưng đồng thời phải có giải pháp để mình có thể hóa giải được những cản trở, tiến tới con đường hòa hợp.
“Nếu dân tộc Việt Nam, ở bất cứ đâu đều là một khối đoàn kết, là một sức mạnh, thì tin rằng việc làm ăn, việc học hành ở nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều”-giáo sư Vũ Minh Giang nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ kiều bào tại chương trình "xuân quê hương" tháng 2/2018. Ảnh: VTV News |
Hòa giải cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Nói về những biểu hiện cụ thể trong việc hòa hợp dân tộc được thể hiện trong cuộc sống thường ngày, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng cần thực hiện từ nhiều phía.
Ở phía các cấp có thẩm quyền, làm sao đó phải thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối rất đúng đắn của Đảng, của Chính phủ. Không thể duy trì “kỳ thị” về lí lịch trong suy nghĩ của từng cán bộ.
Ở phía những người đã từng cầm súng tham gia vào cuộc chiến, họ phải bằng nhiều cách để tạo ra điều hòa hợp, thậm chí trong suy nghĩ của chính mình.
Trải lòng mình, Giáo sư Vũ Minh Giang thổ lộ, ông đã từng có những năm tháng trong quân ngũ và tham gia chiến trường. Sau này, có lần Giáo sư gặp Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam của trường đại học Texas, vốn là một đại úy hải quân đã từng có mặt trên tàu khu trục thường xuyên pháo kích vào khu vực mà ông đóng quân. Khi gặp gỡ người từng đứng ở bên kia chiến tuyến, đã từng “tử chiến” với nhau, ông Vũ Minh Giang khẳng định, không có thù hận. Hai người đều nhận thức rõ: Chiến tranh đã kết thúc, mình cần phải vượt lên trên. Cái cần cho cả Mỹ và Việt Nam là sự hợp tác. Với Mỹ, mình còn làm được điều đó, huống hồ mình là người Việt Nam với nhau!
Ớ phía nhân dân, giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng cần có sự thông cảm với những gia đình đã có mất mát trong chiến tranh. Mỗi gia đình, để vượt qua những mất mát đó không dễ. Vì vậy, cần tìm ra nhiều cách thức tuyên truyền để làm sao trong cuộc sống hàng ngày, cả những gia đình đã từng mất mát đó có thể tiếp nhận được những giá trị về đạo lý, về truyền thống dân tộc, về sự hòa giải, hòa hợp.
Cho rằng trong đời sống hiện nay chưa có nhiều tác phẩm nói về sự hòa giải, hòa hợp, Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định, đại đoàn kết của một dân tộc không chỉ đòi hỏi sự cố gắng của mỗi cá nhân mà đòi hỏi tính cố kết của cả cộng đồng, sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp. Việc hòa giải, hòa hợp cũng yêu cầu có đường lối đúng, thái độ ứng xử đúng.
Lấy ví dụ về việc chúng ta hiện đã xem nghĩa trang của lính Việt Nam Cộng Hòa là nghĩa trang nhân dân, qua đó thân nhân những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã thấy bớt đi sự cô quạnh. Từ những chuyện nhỏ như vậy nhưng đã làm tiến trình hòa giải gần lại, nó liên quan đến vấn đề chính sách.
Nghĩa trang Nhân dân Bình An mấy năm qua đã được giao cho Chính quyền địa phương quản lý. (Ảnh: Báo Thanh Niên) |
Cần có chính sách cho Việt Kiều có thiện chí hòa giải
Giai đoạn hiện nay, chúng ta đã tiến được những bước rất dài về sự hòa giải. Đã có những vị tướng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ nước ngoài về thăm và có những phát biểu rất thiện chí. Đã có những đoàn Việt Kiều từ nước ngoài, họ cũng đã từng tham gia vào cuộc chiến ở phía bên kia, nhất là con em của họ đã trở về quê hương và có những nghĩa cử. Đó là kết quả của rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, của từng chủ trương, chính sách cụ thể.
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất nhiều người mang thiện chí hòa hợp. Chính họ sẽ là những nhân tố tích cực để thúc đẩy quá trình hòa giải.
Theo ông, tới đây, chính sách của chúng ta, ngoài chính sách chung thì nên có chính sách trọng điểm nữa để làm sao đó có hỗ trợ, có sự tạo điều kiện cụ thể cho những nhân tố ấy, một người có thiện chí như vậy người ta sẽ có tác động đến nhiều người. Chúng ta cũng cần giáo dục thế hệ trẻ. Nhiều khi chúng ta nói tới giáo dục truyền thống mà chưa nhấn mạnh tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc để đoàn kết.
“Phải dạy cho tuổi trẻ biết rằng để chiến đấu, ngoài súng đạn, vũ khí, tàu ngầm, máy bay thì chúng ta phải có khối đoàn kết. Vũ khí rồi sẽ lạc hậu, nhưng khối đoàn kết thì luôn luôn cần. Tinh thần đoàn kết cả dân tộc mới là vũ khí vô địch” - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nhấn mạnh./.
Theo VOV