Nhìn từ Hội nghị T.Ư 7: Muốn làm lãnh đạo, hãy nghĩ đến cống hiến trước tiên
Nhân dân có quyền kỳ vọng, tới đây, những "công bộc" của mình hãy nghĩ đến cống hiến trước tiên, thay vì nghĩ đến viễn cảnh “vinh thân, phì gia”
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã khép lại sau gần 1 tuần diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện chính trị này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước.
Trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị, Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều lỗ hổng sẽ được lấp đầy, nhiều tiêu cực, trớ trêu trong sắp xếp, bố trí cán bộ sẽ không còn chỗ đứng. Và nhất định, nhân dân có quyền hy vọng, tới đây, những "công bộc" của mình muốn tại vị lâu dài, hãy nghĩ đến cống hiến trước tiên, thay vì nghĩ đến viễn cảnh “vinh thân, phì gia”.
Hội nghị Trung ương 7 đã thành công, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra |
1.Tròn 2 năm để có một Đề án trình ra Trung ương với bao nhiêu hội nghị, hội thảo, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu cuộc tranh luận nảy lửa, bao nhiêu quyết định nâng lên, hạ xuống… Hiếm có một Đề án nào lại tốn nhiều công sức như thế. Ngần ấy đủ thấy, một Chiến lược cán bộ mới chắc chắn phải có tính vượt trội, có tầm nhìn dài hơi, khắc phục cho được những yếu kém lâu nay trong công tác cán bộ mà vì nó, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ đã có lúc chênh vênh.
2. Đặt lên bàn Nghị sự một Chiến lược mới về công tác cán bộ, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến các Ủy viên Trung ương đều thống nhất quan điểm: phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật thì mới mong có được những giải pháp đột phá. Đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược- đội ngũ tinh hoa trong hàng ngũ lãnh đạo được chỉ đích danh rằng: Nhiều người trong số họ chưa thật sự gương mẫu, uy tín thấp, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, tiêu cực , lợi ích nhóm, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp… Tất cả những yếu kém trong công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến luân chuyển đều được chỉ ra, rõ ràng, rành mạch.
3.Trong nhiều cụm từ được dùng để gắn với công tác cán bộ tới đây, có lẽ cụm từ “siết chặt kỷ luật, kỷ cương” và “triệt để chống chạy chức, chạy quyền” là ấn tượng hơn cả. Vậy “siết” bằng cách nào? Hội nghị Trung ương 7 đã có câu trả lời. Khâu đầu tiên và cũng là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ là khâu đánh giá, tới đây sẽ không còn “dễ dàng” như trước. Anh muốn làm cán bộ lãnh đạo ư? Anh muốn có một vị trí cao, đứng trên nhiều người ư? Hãy thôi nghĩ về những ràng buộc theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”. Anh sẽ trở thành tâm điểm để trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh giá ra, ngoài đánh giá vào, đánh giá xuyên suốt, liên tục, đa chiều, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị… Chỉ khi nào đánh giá đúng, đánh giá công tâm thì mới có được cán bộ tốt, hạn chế tối đa những vụ bổ nhiệm “đúng quy trình” mà động cơ “không trong sáng”. Và hơn thế, người giới thiệu, tiến cử anh, dứt khoát phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, kể cả khi đã “hạ cánh”.
Quyền chức mà giao vào tay những kẻ không xứng đáng, quyền chức mà mua được bằng tiền hoặc nhiều tiền thì đó là sự tha hóa ở mức cao nhất. Anh “mua” được chức quyền thì anh phải tìm cách thu hồi vốn trước tiên, thay vì nghĩ đến tiền đồ của đất nước. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác. Một hệ thống các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, “thân quen”, “cánh hẩu” đã được Trung ương thống nhất như: Người trẻ có tài được ưu tiên vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp; Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; Mở rộng thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Chuẩn hoá quy trình, quy định về công tác cán bộ; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, thu hồi các quyết định sai trái…
Công tác cán bộ tới đây sẽ làm "chùn chân" những ai có tư tưởng “sống lâu lên lão làng” hay tìm cách “lẻn” vào bộ máy lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương. Cơ hội sẽ rộng mở hơn cho những người trẻ thật sự có tài, muốn cống hiến và sẵn sàng cống hiến. Họ được tuyển chọn từ nguồn dự trữ quốc gia về nhân tài, không phải trong gia đình này, dòng họ kia. Họ có thể xuất thân từ mọi thành phần, trong Đảng hay ngoài Đảng, có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài.
Nhân dân tin tưởng vào những quyết sách lớn của Đảng bởi lẽ, những chuyển động trong thực tiễn là hoàn toàn có thật |
4. Một lớp cán bộ từng kinh qua chiến tranh, vào sinh ra tử, từng được gửi đi đào tạo ở các nước XHCN tới đây sẽ được thay thế bằng một lớp cán bộ mới, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước khác nhau… Lớp cán bộ mới sẽ có nhiều ưu điểm hơn nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, họ sẽ phải làm gì để trở thành gạch nối giữa quá khứ và tương lai? Câu hỏi này cũng đã được giải đáp trong Chiến lược mới về công tác cán bộ.
5. Với việc Trung ương ban hành Nghị quyết mới về công tác cán bộ, nhiệm kỳ khóa XII dù mới đi được nửa chặng đường nhưng đã hoàn thành một hệ thống các giải pháp đồng bộ về công tác xây dựng Đảng. Trước đó, chúng ta đã có Nghị quyết TW4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết TW6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7, nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết liệt, nói đi đôi với làm của Ban chấp hành Trung ương mà cụ thể là người lãnh đạo cao nhất cả Đảng, ghi nhận tinh thần dân chủ khi lần đầu tiên các phiên thảo luận được công khai cho báo chí tham dự. Nhân dân cũng tin tưởng vào những quyết sách lớn của Đảng bởi lẽ, những chuyển động trong thực tiễn là hoàn toàn có thật./.
Theo Hương Giang/VOV.VN