Chính quy hoá lực lượng công an xã

Thứ Năm, 17/05/2018, 10:38 [GMT+7]

 Việc việc điều động công an chính quy từ cấp trên về xã sẽ tác động thế nào đến hoạt động của cơ quan công an cấp trên cũng cần đánh giá tác động.
 
Chiều 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là việc xây dựng lực lượng công an xã thành chính quy.

Nhìn chung, các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với hướng chính quy hoá lực lượng này, tuy nhiên, cũng cần làm rõ việc xây dựng công an xã chính quy sẽ có tác động thế nào.
 

1
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật CAND sửa đổi tại phiên họp 24 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội


Phát biểu góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Bộ Công an đi tiên phong trong cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 6. Bộ có đề án với ý tưởng, thông điệp rất mới, mạnh mẽ và Bộ Chính trị đã có nghị quyết 22 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về dự án Luật CAND sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cơ bản bám sát chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị; việc chuẩn bị của Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Công an đáp ứng yêu cầu, hồ sơ trình luật cơ bản đảm bảo theo quy định, đủ điều kiện để UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận sau khi Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra chính thức.

Góp ý vào nội dung cụ thể, bày tỏ quan điểm đồng tình với việc cần chính quy hoá lực lượng công an xã, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lực lượng này hiện nay vẫn là bán chuyên trách nên có những hạn chế. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dù công an xã có lên chính quy đi nữa thì không thể chỉ mỗi công an đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, mà là nhiệm vụ của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của công an ở cơ sở. Cùng với đó, chính quy hoá sẽ giúp công an xã làm tốt, như thế huyện “khoẻ” và cấp tỉnh cũng tốt.

Ngoài ra, dự luật này cũng đề xuất đề xuất quân hàm cao nhất với Giám đốc CA tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính loại I lên Thiếu tướng. Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thương vụ Quốc hội cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Việc cho ý kiến vào dự án Luật CAND sửa đổi cũng là nội dung cuối cùng của phiên họp 24 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc ngay sau đó./.

 

 

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

.