Bí thư cấp tỉnh không là người địa phương: Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền

Thứ Năm, 10/05/2018, 08:23 [GMT+7]

 Việc bố trí các Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thiên vị, chạy chức, chạy quyền.
 
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước.

1
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7.

 

Ông Trần Văn Nguyện, cán bộ công tác tại huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho rằng, “chạy chức”, “chạy quyền” là vấn nạn diễn ra hàng chục năm nay, chứ không phải bây giờ mới có. Đây là tiền đề của suy thoái đạo đức cán bộ, tham ô, tham nhũng và gây nguy hại đến sự tồn vong của Đảng và chế độ nếu mất kiểm soát.

Theo ông Nguyện, Trung ương đã có nhiều chính sách, văn bản điều chỉnh, chỉ đạo về công tác cán bộ, nhưng đâu đó vấn đề lạm dụng quyền lực và “chạy chức”, “chạy quyền” vẫn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân. Việc kiểm soát vấn đề này ở Trung ương và các thành phố lớn gần Trung ương đã khó, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa lại càng khó hơn.

“Chúng tôi rất vui vì lần này Hội nghị của Trung ương đã thẳng thắn nhìn nhận, để bàn các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn” – ông Nguyện cho biết

Ông Bùi Chí Loan, Phó Chủ tịch hội Cựu Chiến Binh TP Đà Nẵng cho biết, lâu nay việc phát hiện người tài, người có trách nhiệm với Đảng, với dân vẫn còn ở chừng mực, làm chưa tốt. Do đó, để công tác quy hoạch, bố trí cán bộ đạt chất lượng, đảm đương được công việc của đất nước, ngoài những chủ trương, đường lối của Đảng đề ra thì các cấp ủy Đảng cần quan tâm đến công tác quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ.

Bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương

Còn ông Đặng Ngọc Dũng, ở thành phố Đà Nẵng bày tỏ niềm tin trước việc Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật, không có vùng cấm trong đội ngũ cán bộ. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, loại bỏ những cán bộ thăng tiến “bất thường” trong bộ máy nhà nước không đảm bảo quy trình, quy định về tiêu chuẩn càng củng cố niềm tin trong nhân dân.

Theo ông, việc làm quyết liệt của Ban Bí thư bước đầu có hiệu quả và tạo lòng tin rất lớn. Song cần làm sâu làm rộng hơn nữa chứ không phải làm vài vụ nổi bật. Nên làm thế nào duy trì thường xuyên chứ không phải lúc này thì làm mạnh rồi sau đó quên mất, không làm nữa thì nó trở lại như cũ.

Theo dõi Hội nghị Trung ương 7, anh Hà Duy Thành, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La tâm đắc với đề án về công tác cán bộ, hàng loạt giải pháp đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới đã được Ban soạn thảo đưa ra, từ đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ, thi tuyển cán bộ đến việc ngăn chặn “chạy chức”, “chạy quyền” trong công tác cán bộ...

Đặc biệt, đề án đã đưa ra giải pháp nhằm thực hiện nhất quán việc bố trí Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Mặc dù còn nhiều việc phải làm trước mắt, tuy nhiên anh Hà Duy Thành hy vọng qua Đề án này, sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của địa phương và đất nước.

Cùng chung nhận định, ông Ngô Thành, ở đường Nguyễn Du, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho rằng, nội dung bố trí các Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là một đột phá, giúp công tác cán bộ khách quan, khoa học hơn, giảm thiểu tình trạng thiên vị, chạy chức, chạy quyền.

“Đây là điểm mới. Lâu nay, địa phương nào thì cán bộ địa phương đó, ngành nào sử dụng cán bộ ngành đó. Tất nhiên, cán bộ địa phương sẽ hiểu được tình hình, nhưng có nhược điểm là bị nhiều chi phối khác cục bộ địa phương, có bà con, họ hàng, bạn bè ảnh hưởng, chi phối việc đề bạt, đề cập, tổ chức, sắp xếp cán bộ thường hay thiên vị. Do đó, đưa cán bộ nơi khác đến thì có điều kiện khắc phục điểm này, nó khách quan hơn. Thực hiện được điều đó sẽ giúp giảm bớt mặt yếu tồn tại lâu nay trong công tác cán bộ” – ông Ngô Thành nêu quan điểm./.

 

 

Theo VOV

.