Quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, đảm bảo chất lượng tăng trưởng
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đóng góp vào kịch bản tăng trưởng năm 2018 và phấn đấu ít nhất cũng phải đạt mức 6,7% năm nay.
Sáng ngày 2/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ. Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đóng góp vào kịch bản tăng trưởng năm 2018 và phấn đấu ít nhất cũng phải đạt mức 6,7% năm nay, đồng thời phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn.
Về kinh tế xã hội quý 1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mức tăng trưởng 7,38% là cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Kết quả đó cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có tâm thế bắt tay ngay vào việc từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, tránh tâm lý tháng giêng là tháng ăn chơi.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Quý 1, cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD, thu hút 4,2 triệu lượt khách du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP) |
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm lại.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: “Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp”.
Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành tập trung xử lý tình trạng nợ đọng về văn bản hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa để tạo động lực tăng trưởng, Thủ tướng đánh giá cao một số bộ chủ động cắt giảm thủ tục hành chính.
Nhưng Thủ tướng yêu cầu, cam kết phải đi liền với thực hiện sớm: “Nhân đây tôi cũng hoan nghênh các Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác đã công bố chương trình cắt giảm thủ tục của mình 50% theo tinh thần Nghị quyết 19. Tôi đề nghị các đồng chí phải có văn bản trình lên, thành Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì các đồng chí mới thực thi. Chứ bây giờ ông nói biết bao giờ ông trình, chứ không phải nói qua nhưng đến kỳ họp tháng 4 chưa trình gì cả là không được. Giải phóng sức sản xuất chính là những điều kiện này, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh”.
Từ thực tế trong quý 1 tình trạng cháy nổ, mất an toàn giao thông xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng, trong đó có hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an báo cáo rõ tình hình và đề xuất giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng xuống cấp của môi trường sống ở một số nơi cũng ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân. Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng: “Tại phiên họp kết thúc quý 1 này, tôi đề nghị, tăng trưởng kinh tế là rất cần và rất cấp thiết, Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao, thấp nhất 6,7% trong năm 2018, song chất lượng tăng trưởng rất quan trọng với các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ chỉ đạo toàn diện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước chứ không phải chỉ kinh tế không. Các ngành là thành viên Chính phủ có liên quan các đồng chí phải chỉ đạo giải quyết đồng bộ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của mình phụ trách tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa để số lượng đi liền với chất lượng tăng trưởng”.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,7%, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành đều phải lập phương án tăng trưởng. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành lĩnh vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành.
Dù lạm phát quý I thấp, nhưng Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, nhất là khi giá dầu thế giới có xu hướng tăng, trong nước thì đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát do mặt bằng giá thế giới tăng. Cùng với đó kế hoạch tăng giá một số mặt hàng y tế, giáo dục và một số dịch vụ khác cũng tạo sức ép tăng giá. Do đó, các bộ ngành phải có phương án điều chỉnh giá theo lộ trình và đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát của năm nay. Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành để kiểm soát lạm phát.
Từ thực tế tình hình thế giới có nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ thương mại, Thủ tướng nêu rõ, điều này có thể tác động lớn đến xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước ta. Do đó, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ liên quan có phương án ứng phó kịp thời hơn.
Cùng với việc xử lý tình trạng cháy nổ, phá rừng, Thủ tướng yêu cầu, vấn đề tăng cường quản lý giáo dục, môi trường dạy và học, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng, không để có thêm những trường hợp học sinh đánh nhau, đánh giáo viên, phụ huynh học sinh đe dọa xâm phạm làm nhục cô giáo thầy giáo. Thủ tướng nhấn mạnh, đó là những hình ảnh vô cùng phản cảm và cần xử lý nghiêm theo tinh thần có đến đâu xử lý đến đó, không chờ Thủ tướng hay Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Nhắc lại chỉ đạo về việc xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng cho học sinh tại các trường học ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng yêu cầu: “Khi nhận chức Thủ tướng, tôi đã lưu ý bảo đảm nhà vệ sinh tại các trường học. Nay yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo rà soát xem có tiến bộ gì. Một chủ trương liên quan đến dân, đến học sinh. Bây giờ Thủ tướng nói là các nhà vệ sinh trong trường học phải được cải thiện, thì chủ trương thực hiện đến đâu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phải kiểm tra, liên quan đến sức khỏe. Người ta vào bệnh viện sợ nhất là nhà vệ sinh. Có phải tất cả các bệnh viện và ngành y tế phải tập trung làm việc này không? Tất cả các trường học phải làm nhà vệ sinh cho học sinh? Phải làm cụ thể như vậy bởi liên quan đến quyền lợi của người dân. Còn chúng ta nói trên trời dưới đất mà không nói cụ thể việc này làm sao có sự thúc đẩy phát triển được.”
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo đề nghị công nhận năm 2017 bị để lại do có dấu hiệu chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện.
Vấn đề công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc trân trọng giới trí thức và yêu cầu Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước làm đúng thẩm quyền, pháp luật và quy chế đã ban hành. Thủ tướng cũng hoan nghênh một người đã tự rút khỏi danh sách để tập trung phục vụ công tác chuyên môn.
Đối với phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tôn trọng ý kiến của nhà tư vấn độc lập, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh. Sân bay sẽ được mở rộng ở cả phía Nam và phía Bắc và khi cần thiết có thể lấy cả đất sân gôn.
Tại phiên họp, Thủ tướng đã dẫn ra báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới mang tên “Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai”. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng một chiến lược kinh tế số linh hoạt, hiệu quả cho Việt Nam là việc làm cấp bách. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và các bộ và địa phương xây dựng lộ trình, bước đi quyết liệt hơn để nước ta không tụt hậu sau trong cuộc cách mạng này./.
Theo Vũ Dũng/VOV