Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân

Thứ Ba, 06/02/2018, 10:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, đã góp không nhỏ vào việc phần giải quyết kịp thời, những vấn đề bức xúc của người dân đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đã tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát huy quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, nhất là việc nâng cao tính chủ động, sáng tạo và thực hiện quyền giám sát của nhân dân.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy một bước quyền làm chủ của nhân dân, qua đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, một số quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn bị vi phạm ở một số nơi, trên một số lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân vẫn diễn ra mà chưa đẩy lùi, ngăn chặn được, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chưa được cụ thể hoá và thể chế hoá thành luật pháp, chậm đi vào cuộc sống.

Tỉnh Điện Biên, sau 10 năm tổ chức thực hiện, Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và ban hành Qui chế dân chủ ở cơ sở cho thấy, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta.

1
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, trao đổi với cử tri là cán bộ, công chức, viên chức huyện Điện Biên (Ảnh: Mai Hồng)

 

Một số địa phương, đơn vị những vấn đề bức xúc kéo dài trong nhân dân, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà thông qua thực hiện quy chế dân chủ đã được giải quyết triệt để, điều đó cho thấy thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở không những bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân, mà còn góp phần quan trọng vào củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ ở cơ sở còn là liều "thuốc" hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.

Bên cạnh đó là, thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL - UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, phương châm dân bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề quan trọng, thiết thực gắn với quyền, nghĩa vụ của công dân được phát huy.

Trên tinh thần Chỉ thị, Pháp lệnh của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chỉ thị số 37 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị phổ biến đến các cơ quan, đơn vị, nhằm cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 130/130 ban thanh tra nhân dân với hơn 1.200 thành viên; trong đó, có gần 70 Ban thanh tra nhân dân, đủ điều kiện đảm nhiệm nhiệm vụ của ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các Ban thanh tra nhân dân đã thực hiện hơn 350 cuộc giám sát, qua đó kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hơn 200 vụ việc (trong đó có hơn 170 vụ việc được xử lý và giải quyết). Cấp xã đã thành lập 128 ban giám sát đầu tư cộng đồng với gần 1.000 ủy viên thực hiện hơn 300 cuộc giám sát, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hơn 30 vụ việc (trong đó 26 vụ việc được xử lý và giải quyết); thành lập gần 1.700 tổ hòa giải, thực hiện gần 1.200 vụ việc (trong đó, hòa giải thành công hơn 1.130 vụ việc)...

1
Đại biểu Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội tiếp xúc cử tri tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên). (Ảnh: Đức Linh)

 

Đồng chí Pờ Diệp Sàng, Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh ủy cho biết: Trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiều địa phương, đơn vị đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện Quy chế dân chủ với chủ trương của Đảng về phát huy quyền dân chủ của Nhân dân, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, qua đó đã mạng lại những hiệu quả và tín hiệu tích cực trong đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

Thông qua thực hiên quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiều vụ việc tiêu cực đã được làm sáng tỏ, nhiều chế độ chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã được minh bạch, các công trình phúc lợi dân sinh được xây dựng chất lượng hơn, đem lại niềm vui, phấn khởi cho nhân dân, người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền hơn.

Bên cạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Đảng bộ cũng quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Có thể thấy, đây là chủ trương vô cùng đúng đắn, được nhân dân các dân tộc ủng hộ và đồng thuận cao. Với việc, nhiều địa phương đơn vị đã chú trọng, công khai cho nhân dân biết về công tác quản lý sử dụng đất, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền bù giải phóng mặt bằng, các khoản đóng góp, các khoản phí, lệ phí… đều được chính quyền địa phương phổ biến trong các cuộc họp dân hoặc niêm yết ở trụ sở làm việc UBND xã, nhà sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố đã tăng cường và củng cố niềm tin của Đảng và chính quyền đối với nhân dân, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; giảm tình trạng bức xúc, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân; hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao uy tín của đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.

1
Hội viên Hội Nông dân xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên tham gia đối thoại chính sách, pháp luật về BHXH năm 2017 (Ảnh KT).

 

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thực đời sống nhân dân, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư... được cấp ủy, chính quyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp; qua các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND hoặc qua các buổi họp dân… Vì vậy, khi ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện cơ bản đều sát thực tế và phù hợp, đúng với nguyện vọng của nhân dân; tạo chuyển biến trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành quản lý của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể nhân dân.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, sẽ tiếp tục tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, chương trình xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, nâng cao đời sống tinh thần, qua đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.

 

 

 

CTV - Khánh Toàn/BTG Tỉnh ủy Điện Biên

.