Mậu Thân 1968: Đêm Sài Gòn rung chuyển và những căn hầm bí mật

Thứ Ba, 06/02/2018, 07:42 [GMT+7]

Những địa chỉ bí mật trong lòng địch đã cho thấy sự dũng cảm, kiên trung của các chiến sĩ biệt động và quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định.
 
Nửa thế kỷ trước, vào những ngày Tết Mậu Thân năm 1968, tiếng súng nổ khắp Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Năm nay, nhớ về thời khắc lịch sử đó, người dân thành phố không khỏi tự hào và biết ơn đối với những người con đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Và chúng ta cũng không thể quên những gia đình với những ngôi nhà, căn hầm đã trở thành những "địa chỉ đỏ" chở che cho các chiến sĩ chiến đấu kiên cường.
 

Hầm bí mật ngay trong phòng khách


Sáng mùng 3 Tết Mậu Thân 1968, cả Sài Gòn bị rúng động bởi thông tin cha con ông chủ quán phở Bình nổi tiếng trên đường Yên Đỗ, nay là Lý Chính Thắng, Quận 3 cùng hàng chục “Việt cộng” hoạt động tại đây bị bắt, dân chúng mới biết Phở Bình là nơi hội họp, là căn cứ hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, là nơi phát lệnh tổng tấn công vào các căn cứ trọng điểm của địch trong những ngày Tết.

Tiệm phở Bình nằm ngay vách trái ngôi nhà của các chuyên gia quân sự Philippines - một đồng minh của chính quyền Sài Gòn và hàng chục căn kế tiếp là các cơ quan viện trợ của người Mỹ đóng tại Sài Gòn, có cả lính Mỹ sinh sống. Đây vốn là tiệm phở ồn ào, đông đúc, nơi thu hút cả quan chức Mỹ, Ngụy đến thưởng thức. Thế nhưng ông Ngô Toại, chủ phở Bình, quyết định chọn địa điểm nguy hiểm này để biến thành Sở chỉ huy tiền phương biệt động Sài Gòn suốt thời gian dài.

Chính nơi “nguy hiểm là nơi an toàn”, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ông Ngô Toại, Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6 đã quyết định chọn Phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sỹ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
 

1
Dấu vết đạn binh lính VNCH bắn lúc phát hiện nơi xuất phát tấn công Dinh Độc Lập năm 1968


Ông Nguyễn Kim Bạch, con rể chủ quán phở Bình kể: Khoảng gần 1 tháng trước Tết Mậu Thân, ông Ngô Toại nhận được chỉ thị gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người ăn trong mấy ngày Tết.

Đúng 23 rưỡi đêm Mùng 1 Tết, tại tiệm phở này, đồng chí Võ Văn Thạnh, có bí danh là Ba Thắng nhân danh Chính ủy Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6 đã trịnh trọng đọc lời hiệu triệu của Ủy Ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng và phát lệnh cho các cụm biệt động tổng công kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ – Ngụy, bắt đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo lời kể của ông Nguyễn Kim Bạch, đúng 3h, hầu như anh em đi hết, chỉ còn lại mười mấy người. Cũng vào thời điểm đó, tiếng súng bắt đầu nổ ran, từ Bộ tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ đến Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân. Lúc đó, ông Bạch cùng mấy anh em chạy lên trên lầu để quan sát.

Nhưng sau khi ta nổ súng đồng loạt tấn công địch ở các mục tiêu, tiệm Phở Bình cũng bị địch bao vây, bắt được một số chiến sỹ chưa kịp thoát. Chủ tiệm Phở Bình – ông Toại và vợ bị bắt vào Tổng nha.
 

1
Tầng 2 của phở Bình xưa là nơi hội họp, nay được trùng tu để lưu lại những bức ảnh của các biệt động Sài Gòn đã tham gia chiến đấu trong những ngày Tết Mậu Thân 1968, là đi tích lịch sử cấp quốc gia


Để có những trận đánh táo bạo, vang danh lịch sử trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài tiệm phở Bình là nơi lui tới hội họp quan trọng, phải kể đến hệ thống hầm chứa vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, bí danh Năm Lai, Mai Hồng Quế hoặc Năm USOM. Đặc biệt là hầm vũ khí tuyệt đối bí mật tại địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3, TPHCM ngày nay.

Thời gian này, ông Năm Lai vừa làm việc cho dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị Bảo Đảm. Ông đã tự mình đào hầm vũ khí phục vụ cho trận đánh Dinh Độc Lập của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào mùa Xuân năm 1968. Trong hầm có 4 khung tròn, nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm.

Miệng hầm được chọn ở gần cầu thang. Cửa hầm và nắp hầm đúc bằng khuôn sắt dày và khít, diện tích 6 viên gạch hoa được bịt kín, nằm ngay vị trí phòng khách giữa nhà, không một ai có thể tìm ra được miệng hầm. Tổng cộng hơn 2 tấn vũ khí được cất giấu khéo léo tại đây.
 

1
Bài báo viết về Phở Bình năm 1968


Nhắc đến những căn hầm bí mật chứa hàng trăm kilogam súng đạn, thuốc nổ, bà Trần Thị Lệ Thu, gọi là Thu Bà Điểm (tên thật là Trần Thị Yến Ngọc) khi đó là giao liên của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định kể: Nhằm tránh sự chú ý của xóm giềng, xe chở vũ khí từ Củ Chi do ông Nguyễn Văn Ba, tự Ba Bảo chở, chỉ đến nhà vào lúc nhá nhem tối, lúc đi cửa trước, lúc đi cửa sau và lùi xe vào trong nhà để bốc dỡ.

Hoạt động ngay trong lòng địch, các chiến sĩ biệt động đã rất mưu trí xử lý những tình huống nguy kịch: “Xe vô nhà ông Năm Lai, định đem vũ khí xuống thì gặp mấy vị khách không mời mà đến. Đó là an ninh ngầm của Ngụy, rồi tổng nha cảnh sát đang đứng nói chuyện với ông Năm Lai. Lúc đó ông Ba Bảo không dám vận chuyện vũ khí xuống hầm. Ổng đành đi thư thả, lấy mớ cà chua, bắp cải ngụy trang, bên trong là vũ khí” - bà Thu nhớ lại.

Đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, nhận chỉ đạo từ cấp trên, 17 chiến sỹ Đội 5 Biệt động Sài Gòn tập kết tại căn nhà để nhận vũ khí và tiến công Dinh Độc Lập. Đội xuất phát trên 3 chiếc ôtô và một xe gắn máy tiến về Dinh Độc Lập, thực hiện trận đánh táo bạo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Mặc dù sau đó, bị địch phát hiện và nhiều chiến sĩ đã hy sinh, căn nhà sau đó rơi vào tay địch nhưng hầm vũ khí vẫn luôn là bí mật với chúng.
 

1
Ông Nguyễn Kim Bạch (bên trái), con rể ông Ngô Toại, chủ phở Bình và ông Lương Khâm, tự Ba Khâm, lái xe của bộ phận đảm bảo chiến đấu (bên phải) đang kể về những diễn biến của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968


Thời gian đã qua, nhưng những địa chỉ được hình thành bí mật trong lòng địch đã cho thấy sự dũng cảm, kiên trung với Đảng, với cách mạng của các chiến sĩ biệt động và quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định.

50 mùa Xuân qua, những giá trị lịch sử và nghệ thuật quân sự tài tình thể hiện trong những địa chỉ đỏ nói trên, cùng với các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, vẫn mãi được lịch sử nhắc đến.

Giờ đây, TPHCM ngày càng phát triển, với cơ chế đặc thù, hứa hẹn một đầu tàu lớn mạnh của đất nước và có vị thế trong khu vực, người dân càng trân trọng những tiệm phở Bình, căn hầm bí mật, luôn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó cho muôn đời sau./.

 

 

Theo Kim Dung/VOV

.