Điện Biên

Điểm nhấn trong công tác kết nạp đảng viên

Thứ Năm, 08/02/2018, 15:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau hơn hai năm, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, trong đó công tác phát triển đảng viên, củng cố tổ chức đảng ở cơ sở. Qua đó, từng bước nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở. Năm 2016, chỉ có 629 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 32.483 đảng viên đầu, đến nay toàn Đảng bộ đã có  650 đơn vị cơ sở có TCCSĐ với 36.894 đảng viên.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, có 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 29 xã biên giới, 101 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; có 1.813 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 1.097 thôn, bản đặc biệt khó khăn, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 55 vạn dân.

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ vẫn còn 95 thôn bản, 4 trạm y tế “trắng” đảng viên; 326 thôn bản, 33 trường học, 87 trạm y tế chưa có chi bộ, đảng viên còn phải sinh hoạt ghép, chủ yếu tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

1
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018. Ảnh: Phong Lâm

 

Xác định việc tập trung cho công tác phát triển Đảng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng DTTS là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng. Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở trực thuộc xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, giai đoạn 2016-2020”.

Theo đó, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng uỷ đã cụ thể hoá nghị quyết, xây dựng các chương trình đề án và đã có những chủ trương, giải pháp thiết thực phù hợp để chỉ đạo tập trung vào các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; nhất là chú trọng công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở các thôn, bản, trường, trạm y tế còn “trắng” đảng viên, “trắng” tổ chức Đảng.

Do chú trọng phát triển đảng viên, số lượng đảng viên mới kết nạp đều đạt và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra. Từ chỗ chỉ có 629 đơn vị cơ sở có TCCSĐ với 32.483 đảng viên đầu năm 2016, đến nay toàn Tỉnh đã có 650 đơn vị cơ sở có TCCSĐ với 36.894 đảng viên. Tính đến 31-12-2017, toàn tỉnh đã kết nạp 4.846 đảng viên mới (vượt 21% mục tiêu Nghị quyết).

Tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là đoàn viên, thanh niên chiếm bình quân là 75%; đảng viên là nữ, chiếm 37,5%; đảng viên là người DTTS, chiếm 64,8 %; đảng viên có trình độ học vấn THPT và tương đương, chiếm 92,4% so với tổng số đảng viên mới kết nạp trong 2 năm qua.

Chuyển biến tích cực trong công tác kết nạp đảng viên, đó là công tác kết nạp đảng viên ở các Đảng bộ xã, phường, thị trấn trong 2 năm qua là đã thu hẹp khoảng cách bản “trắng” đảng viên từ 95/1.813 bản xuống còn 23/1.813 bản, xóa được 72 bản. Cụ thể: Năm 2016, toàn Tỉnh kết nạp được 2.456 đảng viên (vượt 22,8% kế hoạch năm), xóa 35 bản “trắng” đảng viên, thu hẹp khoảng cách bản “trắng” đảng viên từ 95/1.813 bản xuống còn 60/1.813 bản.

Năm 2017, tiếp tục kết nạp thêm 2.390 đảng viên (đạt 19,5% KH năm) xóa tiếp 37 bản “trắng” đảng viên, tiếp tục thu hẹp khoảng cách bản “trắng” đảng viên từ 60 bản xuống còn 23/1.813 bản; giảm số thôn, bản chưa có chi bộ từ 327 bản xuống còn 208 bản; xóa 76 chi bộ ghép, thành lập mới 210 chi bộ độc lập; hiện chỉ còn 23 bản và 1 trạm y tế còn “trắng” đảng viên; 208 bản, 2 trường, 59 trạm y tế chưa có chi bộ, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Để có được kết quả đó, là có sự quyết tâm của các Đảng bộ trực thuộc tỉnh, nhất là các đảng bộ huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, huyện Điện Biên… ngoài việc thực hiện tốt chủ trương kết nạp Đảng viên, còn xây dựng kế hoạch bố trí đảng viên là người địa phương đang công tác tại cơ quan xã được chuyển chính thức về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, bản tạo sự gắn kết giữa đảng viên đang công tác tại xã với đảng viên và nhân dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội, xoá đói giảm nghèo. Nhiều thôn, bản trước đây gặp khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên thì nay đã tạo được nguồn phát triển đảng viên; nhiều đảng viên là người DTTS sau khi được kết nạp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư...

Ngoài ra, các cấp uỷ, tổ chức Đảng còn thực hiện tốt việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, theo đó từng chi bộ tiến hành rà soát, phát hiện nguồn quần chúng ưu tú, phân công đảng viên chính thức theo dõi bồi dưỡng, giúp đỡ. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy đều chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới", “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Tuổi tré giúp nhau lập thân, lập nghiệp”… qua đó, phát hiện những đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên.

1
Đồng chí Mùa A Sùng, TUV, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (ở giữa, phía trong nhìn ra) trao đổi với cấp ủy chi bộ xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xóa bản còn chưa có Đảng viên, chưa có chi bộ tại bản Hồi Hương, xã Mường Nhà. (Ảnh Phong Lâm)

 

Bên cạnh đó, các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, hằng năm đều thực hiện tốt kế hoạch mở lớp “Bồi dưỡng nhận thức về Đảng”; “Đảng viên mới kết nạp”. Riêng năm 2017, đã mở 30 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 1.850 quần chúng ưu tú và 31 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 2.019 đảng viên mới. Từ đó, góp phần chung vào kết quả kết nạp đảng viên mới của Tỉnh trong thời gian qua.

Đồng chí Văn Hữu Bằng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Những kết quả trong công tác phát triển đảng viên của toàn Đảng bộ trong thời gian qua là hết sức phấn khởi, có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, hiện nay vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong việc phát hiện, tìm và tạo nguồn phát triển đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở việc bồi dưỡng, giúp đỡ những quần chúng ưu tú theo sự phân công của chi bộ.

Do vậy, cần nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc phát hiện, giới thiệu người vào Đảng và trách nhiệm trước chi bộ về hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, về động cơ phấn đấu vào Đảng, về chất lượng của người vào Đảng trước khi kết nạp... Có như vậy, quần chúng mới tự giác phấn đấu, tha thiết đến với Đảng ngày một nhiều hơn.

Thời gian tới, để công tác phát triển đảng thật sự có chất lượng, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nhiều khâu, nhiều bước theo một qui trình chặt chẽ, nghiêm túc: Từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tìm nguồn và tạo nguồn quần chúng, bồi dưỡng nguồn quần chúng ưu tú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ban tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo các cấp ủy làm tốt công tác tạo nguồn, xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên, chú trọng quần chúng là người DTTS. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng và Chỉ thị số 05- CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn công tác kết nạp đảng viên với nhiệm vụ xây dựng TCCSĐ, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh./.

 

 

 

CTV - Phong Lâm/BTC Tỉnh ủy Điện Biên

.