"Giao lưu Nửa thế kỷ - Một mùa xuân": Xúc động và tự hào
50 năm đã trôi qua nhưng tất cả những gì xảy ra trong năm Mậu Thân 1968 vẫn như là mới từ hôm qua.
Ký ức ùa về, những nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh ôm lấy nhau bịn rịn, ôn lại kỷ niệm một thời chiến đấu oanh liệt trong chương trình giao lưu “Nửa thế kỷ - Một mùa xuân” do Hội Liên hiệp nữ TP HCM tổ chức sáng (13/1).
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đội 4 - Biệt động Sài Gòn trong trận đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh: báo Sài gòn Giải phóng). |
Chương trình họp mặt, giao lưu nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với các nữ quân nhân, cựu chiến binh của lớp trẻ, dịp để ôn lại những ký ức hào hùng về quá trình chiến đấu, góp phần cho độc lập tự do của dân tộc.
50 năm trước, các dì, các mẹ, các chị đã từng là nữ biệt động Sài Gòn tài ba, nữ dân công hỏa tuyến hay quân dân anh dũng, trải qua nhiều lần giáp mặt kẻ thù vẫn hiên ngang bất khuất, kiên định một mục tiêu theo Đảng, theo Bác Hồ.
Bà Vũ Minh Nghĩa, thường gọi là Chín Nghĩa, trực tiếp tham gia trận đánh vào Dinh độc lập (Dinh Thống Nhất) trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chứng kiến bao cảnh tàn phá đau xót của chiến tranh trên quê hương, bà nghĩ chỉ có làm cách mạng, đi theo Đảng thì mới giải phóng được cho gia đình, cho quê hương, dân tộc. Suy nghĩ ấy thôi thúc bà cũng như những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi năm ấy tình nguyện đi vào biệt động, cầm súng chiến đấu, dù phải hy sinh để có được hòa bình cho đất nước, dân tộc.
Hay những nữ dân công hỏa tuyến, hễ được bộ đội vận động là đi góp công, góp sức lo công tác hậu cần, giúp vận chuyển vũ khí để phục vụ chiến đấu.
Bà Nguyễn Thị Khỏi, đoàn dân công hỏa tuyến ở Bình Chánh cho biết: “Hồi đó 16,17 tuổi chúng tôi đã tham gia cách mạng rồi. Không ai rụt rè e ngại gì hết, cứ nghe nói tham gia là đi liền".
Tại buổi giao lưu, ngoài những ký ức oanh liệt trong bom đạn ác liệt, các dì, các mẹ nhớ về chiến hào lòng dân đã bao bọc, che chở cho họ hoạt động cách mạng thành công và cưu mang nhiều chiến sĩ sống sót đến ngày hôm nay.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM chia sẻ, nhiều người đặt câu hỏi vì sao ở trong hang ổ kẻ thù mà các chiến sĩ cách mạng vẫn đứng chân và hoạt động. Đó là lòng dân. Vốn dĩ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để có thể che giấu được các chiến sĩ, mà chỉ có lòng dân mới đủ chở che, đùm bọc chiến sĩ đi hết con đường phục vụ cách mạng.
Còn bà Đào Thị Huyền Nga, thường gọi là Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng cho biết, cho đến giờ phút này, nhắc lại Mậu Thân bà vẫn còn xúc động. Các mẹ các chị, các cô đã nỗ lực, bất chấp hiểm nguy để che giấu bộ đội hoạt động, che chở và hỗ trợ cho các chiến sĩ biệt động tác chiến một cách thuận lợi.
Cũng tại chương trình giao lưu gặp mặt này, các đại biểu, những thế hệ đã được trui rèn trong bom đạn, gửi gắm niềm tin vào lực lượng trẻ có đủ khả năng tài, tâm, trí để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ngày càng đi lên, xứng đáng với bao máu xương của cha ông đã đổ xuống cho độc lập và tự do này./.
Theo Kim Dung/VOV