Cách mạng Tháng Mười để lại bài học quý cho công cuộc đổi mới của VN

Chủ Nhật, 05/11/2017, 08:00 [GMT+7]

100 năm đã qua nhưng các bài học của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại.
 
Ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga, đứng đầu là Vladimir Lenin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Một thế kỷ đã trôi qua, những tinh hoa, giá trị thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, là nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 

1
Lãnh tụ V.I. Lenin từ Phần Lan bí mật trở về nước trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh History Conflicts


Khi đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”; “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.

Theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Trước đòi hỏi của thực tiễn những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1986 Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua, có sự cổ vũ, tiếp tục của thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, có sự nhìn lại thiết kế của một xã hội mới mà Đảng Bolshevik, Nga đứng đầu là Lênin cũng như những thiết kế, những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười để lại để cách mạng Việt Nam soi vào từ đó đổi mới.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạn, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thực sự mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Một kỷ nguyên không chỉ đi lên chủ nghĩa xã hội mà kỷ nguyên thay đổi cả cuộc sống, lối sống của cả thế giới, trong đó bao gồm cả các nước tư bản. Chính thành tựu to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga ở các nước Xô Viết, trong cả hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới nhưng mà nó lại dẫn tới sự sụp đổ vào năm 1991, trở thành bài học xương máu cho chúng ta, nhất là đất nước như Việt Nam đang đi theo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu đã chọn, đó là từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.
 
GS.TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: những nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam gặp nhiều khó khăn, từ lý luận đến thực tiễn. Từ lý luận, vì Marx-Engels và ngay bản thân Lenin từ hình mẫu của chính quyền Xô Viết sau Cách mạng Tháng Mười là không thể áp dụng một cách máy móc, giáo điều được mà cần phải sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử của mình. Mỗi nước có điều kiện lịch sử khác nhau và khó khăn, từ đó vận dụng vào xác minh đường lối cũng như chủ trương của Đảng trong tiến hành sự nghiệp cách mạng.

“Con đường đi lên chủ nghĩa cộng sản vẫn là mục tiêu phấn đấu của Việt Nam và một số nước khác. Mục tiêu này phản ánh sự tất yếu của các nước, sớm hay muộn cũng đi lên chủ nghĩa cộng sản, tất nhiên bằng con đường khác nhau và lâu dài” – GS.TS Mạch Quang Thắng chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Mạch Quang Thắng, Việt Nam đang đi đúng con đường và theo mục tiêu này. Cùng với việc kiên định đi theo mục tiêu đã chọn, Cách mạng Tháng Mười Nga còn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá đối với thực tiễn cách mạng và công cuộc đổi mới của Việt Nam như: Cần có tư duy linh hoạt phù hợp qua từng giai đoạn, luôn lấy lợi ích nhân dân làm gốc, đảm bảo dân chủ thực sự, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xác định công tác xây dựng Đảng và cán bộ có ý nghĩa then chốt, đạt được sự công bằng thực sự về lợi ích trong quan hệ quốc tế...

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chính nhờ việc vận dụng bài học về việc phải luôn luôn đổi mới tư duy trên một số những nguyên tắc cơ bản, Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và chính sự chuyển hướng này đã giúp đất nước khởi sắc, không những thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội mà còn trở thành một nước phát triển tương đối nhanh chóng, được cả thế giới đánh giá rất cao.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, trong quá trình tiến hành đổi mới, Đảng ta luôn chú ý tới việc lấy lợi ích nhân dân làm gốc, đảm bảo dân chủ thực sự.

“Mọi thắng lợi của bất kỳ cuộc cách mạng nào, xuất phát từ chỗ có được lòng dân hay không. Và chính cuộc Cách mạng Tháng Mười đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân lao động, nên đã được sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động. Nếu giữ vững được lòng tin đối với nhân dân lao động, đối với Đảng cầm quyền thì Đảng đó có vị trí rất vững chãi trong lòng dân và nhờ vậy có vị trí vững chãi trên chính trường.

Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải xuất phát từ nguyện vọng, niềm tin của người dân, nếu đi ngược lại thì đó là mối đe dọa lớn nhất với bất kỳ Đảng cầm quyền nào” – nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Trong tình hình hiện nay khi các thế lực thù địch ráo riết lợi dụng mọi điều kiện để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và các hoạt động chống phá, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động chia rẽ nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của các Đảng Cộng sản, xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, thì bài học về bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng của Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Như Lenin từng nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Trong mọi hoàn cảnh, yếu tố “tự bảo vệ” luôn giữ vai trò quyết định sự tồn vong, phát triển vững mạnh của Đảng, Nhà nước và chế độ.
 
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, quyết định thành bại của cuộc cách mạng nói chung và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói riêng, đó là sự lãnh đạo của Đảng. Từ sự lãnh đạo của Đảng, coi trọng về xây dựng lực lượng.

Bảo vệ Tổ quốc là toàn dân, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng đủ mạnh theo quan điểm của Đảng là nền quốc phòng hòa bình, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Và một yếu tố cuối cùng, không thể thiếu được là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

100 năm đã qua theo dòng chảy của lịch sử, nhưng một điều chắc chắn là các bài học của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại.

Những bài học đó vẫn luôn tỏa sáng soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta kiên định lựa chọn./.

 

 

Theo Quỳnh Hoa/VOV

.