APEC 2017: Động lực mới cho tăng trưởng, vị thế mới cho Việt Nam

Thứ Ba, 14/11/2017, 15:24 [GMT+7]

Việt Nam tiếp tục chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của APEC; là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế.
 
7 ngày qua, Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung Việt Nam đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tuần lễ cấp cao APEC 2017, với nhiều hoạt động quan trọng, với sự sự hiện diện của 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, sự có mặt của hơn 10 000 đại biểu và hơn 2000 nhà báo trong và ngoài nước… không chỉ tạo nên sức hút về truyền thông, mà còn là nơi đưa ra những quyết sách quan trọng, có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và chính trị thế giới.
 

1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chụp ảnh chung với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và Phu nhân trong trang phục APEC 2017. Ảnh: TTXVN.


Một lần nữa, với sức nóng của mình, APEC được đánh giả không chỉ là một diễn đàn hợp tác kinh tế, mà đã trở thành một động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu.

Lần thứ 2 đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Việt nam tiếp tục chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của APEC; là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế.

Trước hết, có thể khẳng định rằng một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Tuần lễ Cấp cao APEC nói riêng và năm APEC 2017 nói chung là việc các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí ra Tuyên bố Đà Nẵng gồm 39 điểm.

Với Tuyên bố Đà Nẵng, APEC đã khẳng định một thông điệp mạnh mẽ, kịp thời về quyết tâm thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng trưởng bao trùm, bền vững. Cùng với đó là quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết trong APEC trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi.

APEC đã nhất trí tăng cường thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư ở khu vực; hoàn tất thực hiện các mục tiêu Borgo ; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên.

Giới phân tích cho rằng, Tuyên bố Đà Nẵng đã thể hiện một tầm nhìn mới cho APEC, định ra những định hướng mới tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và vạch ra những hướng đi mới cho các nền kinh tế APEC trong tương lai. Bởi trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, liên kết kinh tế ở khu vực đang gặp nhiều trở ngại bởi những thách thức toàn cầu về thương mại tự do và mở cửa; an ninh và chính trị, tất cả các nhà lãnh đạo APEC đều nhất trí khẳng định APEC phải phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng thương mại, đầu tư, kết nối cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng lợi ích đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế.

Tuyên bố Đà Nẵng 39 điểm được thông qua ngày 11/11/2017 đã thể hiện quyết tâm của một APEC mới nỗ lực vượt qua thách thức. Đây cũng là điểm ghi dấu ấn thành công mạnh mẽ của Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng nói riêng.
 
Một tầm nhìn mới cho APEC

Với chủ đề bao trùm của năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trong suốt năm 2017 vừa qua, các nhà lãnh đạo-đại diện các nền kinh tế APEC đã thảo luận về bốn vấn đề then chốt.

Thứ nhất là khơi dậy động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế thành viên APEC. Thứ hai là đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực, đẩy nhanh việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor. Thứ ba, là cách thức để củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Và nội dung cuối cùng là thảo luận các bước đi để xây dựng Tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020.

Cả 4 mục tiêu đều được hoàn tất và được thông qua trong tất cả các văn kiện cao nhất của APEC. Điều đó một lần nữa cho thấy sự đồng thuận và đồng lòng của các thành viên APEC, hướng tới một mục tiêu chung là thúc đây sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

“Có 3 thành công nổi bật nhất của Tuần lễ cấp cao APEC và Năm APEC Việt nam 2017. Thứ nhất là nội dung cho tất cả 4 nhóm ưu tiên + chủ đề mà Việt nam đưa ra đều được đưa trong Tuyên bố cấp cao nhất và các nước đều ủng hộ mạnh mẽ các điểm này. Thứ 2, APEC thúc đẩy xu hướng thương mại hóa đầu tư. Thứ 3, quảng bá ra nước ngoài hình ảnh một Đà Nẵng xinh đẹp và miến khách”, Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao nhận định.

Nhìn lại Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa qua, không thể phủ nhận rằng qua 3 thập kỷ, APEC đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Giờ đây, khu vực này đã trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất  thế giới, đóng góp tới 50% GDP của toàn thế giới và hơn một tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Đây là những con số biết nói, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những lợi ích to lớn mà sự hợp tác, liên kết trong khuôn khổ APEC đã mang lại cho khu vực.

Một điểm nhấn khác phải kể đến, đó là những cam kết, ý tưởng sáng tạo mới. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với 15 phiên họp đã thành công tốt đẹp khi các bài phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trumph, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới và Việt Nam cùng đại diện của các định chế kinh tế quốc tế lớn đã đưa ra những ý tưởng mới, cam kết mới cho tăng trưởng.

Những bài phát biểu của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế, của các CEO toàn cầu, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trong APEC như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Australia, Thủ tướng New Zealand… được phát thanh, truyền hình trực đến toàn thế giới đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ “APEC không chỉ là một diễn đàn kinh tế, mà còn là một diễn đàn toàn cầu về ý tưởng, về sáng tạo”.

Cũng có thể nói, những vấn đề được thảo luận tại CEO Summit, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam đều là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng các nền kinh tế không chỉ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong khuổn khổ APEC, đã diễn ra Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á – Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, cuộc đối thoại đặc biệt này nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kết nối giữa APEC với tư cách là Diễn đàn hàng đầu khu vực về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và Hiệp hội ASEAN hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề then chốt ở khu vực. Nó cũng phản ánh một nhu cầu thiết thực trong APEC: đó là nhu cầu kết nối liên kết giữa các nước thành viên, vì mục tiêu tăng trưởng và thịnh vượng.

CPTPP- Dấu ấn quan trọng mới

Một nội dung nổi bật khác tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp trong 3 ngày, nhất trí với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.
 
Với việc nhất trí tên gọi mới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một lần nữa Hiệp định TPP được “hồi sinh”. Ngay cả Canada, quốc gia có tiêu chuẩn khá khắt khe về TPP cũng đã đánh giá cao thỏa thuận này.

Thủ tướng Canađa Justin Trudeau  trong cuộc họp báo tại Đà Nẵng ngày 11/11, dù nhấn mạnh rằng các nước tham gia thảo luận về TPP mới “sẽ còn rất nhiều việc phải làm”, nhưng đây là một bước tiến đáng ghi nhận: “Chúng tôi vui mừng về tiến trình đã đạt được để thiết lập một khuôn khổ cho thỏa thuận TPP mới, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có được thỏa thuận tốt nhất cho Canada và cho người dân Canada. Thỏa thuận này là tin tốt cho những gia đình cho thu nhập trung bình và các doanh nghiệp nhỏ. Canada vẫn tiếp tục theo đuổi TPP”.

Có thể nói kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới.

Hy vọng rằng với bước tiến quan trọng trong cuộc họp lần này, 11 nước thành viên tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán, thống nhất để đi đến ký kết, đưa Hiệp định vào thực thi mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
 
Dấu ấn đa phương

Trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC, cùng với các hội nghị thượng đỉnh, cũng đã diễn ra rất nhiều cuộc gặp song phương quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương với Nguyên thủ, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Đáng chú ý, Lãnh đạo các nền kinh tế, các tập đoàn đều đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các cam kết của Việt nam đối với các nước thành viên APEC và cộng đồng quốc tế.

Một ví dụ cụ thể là trong cuộc họp báo về kết quả của APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng bên lề hội nghị các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC lân thứ 25, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh tới tính thực tiễn trong các chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này; đồng thời đánh giá cao kết quả của hội nghị; cho rằng chủ nhà Việt Nam đã làm tất cả để hội nghị diễn ra thành công.

Theo đánh giá, các hoạt động tiếp xúc song phương này vừa góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, vừa mang lại những lợi ích hết sức cụ thể, thiết thực đối với đất nước, người dân và doanh nghiệp.
[apec 2017 động lực mới cho tăng trưởng vị thế mới cho việt nam hình 6]
Đối thoại giữa Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và lãnh đạo APEC
VOV.VN - Tham dự cuộc Đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng 63 đại diện ABAC là các doanh nghiệp trong khu vực APEC.

Một Việt Nam năng động

Nhìn lại một Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế, và thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các thách thức cấp bách toàn cầu.

Trong thành công chung của Năm APEC Việt Nam 2017 nói chung, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 nói riêng, phải kể đến những nỗ lực của chủ nhà Việt Nam, đặc biệt là vai trò của thành phố Đà Nẵng cũng như các Bộ, ban ngành địa phương. Hơn 250 sự kiện, hội nghị lớn nhỏ trong năm APEC được tổ chức thành công, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, là minh chứng cho thấy một chủ nhà Việt Nam năng động, sáng tạo và đầy tinh thần trách nhiệm.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Lần thứ nhất Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội năm 2006 cũng đã đạt kết quả thành công rực rỡ. Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, 18 nước đã đăng cai Hội nghị và chỉ có 8 nước được đăng cai hai lần. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị lần thứ hai năm nay không chỉ thể hiện sự tín nhiệm của các thành viên APEC đối với Việt Nam mà còn nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt nam trên trường quốc tế.

Riêng đối với Đà Nẵng, để có được thành công này, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã chuần bị tích cực cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 trong suốt thời gian qua.

Hơn 1 năm chuẩn bị với việc nâng cấp, chỉnh trang nhiều công trình phục vụ cho APEC, như sân bay quốc tế Đà Nẵng; Trung tâm Báo chí Quốc tế, nơi làm việc của khoảng 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế hay các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao… tất cả đã được cải tạo, đáp ứng phục vụ tốt nhất chào đón các đại biểu, các nhà lãnh dạo các nền kinh tế thành viên APEC. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng với việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC, hình ảnh một Đà Nẵng tươi đẹp, mến khách và nồng hậu đã được truyền tải đến bạn bè quốc tế gần xa.

Theo đánh giá chung của quốc tế, với việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới trong suốt tuần qua. Những kết quả đạt được trong kỳ APEC năm nay không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.
 
Việt Nam-điểm đến an toàn và thân thiện

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sôi động đã khép lại, nhưng ấn tượng về một đất nước hiếu khách, nồng hậu vẫn tiếp tục để lại trong lòng bạn bè quốc tế. Dù đã chia tay Việt nam, nhưng rất nhiều đại biểu quốc tế cho biết họ vẫn nhớ về Đà Nẵng, với những dấu ấn Việt nam, một quốc gia yên bình, ổn định, an toàn cùng sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của nước chủ nhà.

Không cần đoàn tùy tùng cũng như lực lượng an ninh bảo vệ, Ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavrov bất ngờ xuất hiện ở Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) để trải nghiệm các dịch vụ như tắm khoáng, tắm bùn khi ở một đất nước an bình như Việt Nam. Tại đây, ngài Ngoại trưởng tỏ ra vô cùng thích thú khi thưởng thức món trứng trường thọ được luộc từ trứng gà với nước khoáng nóng tự nhiên.

Trong chuyến tham dự APEC 2017 tại Đà Nẵng hay trong các buổi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Donald Trump cũng hơn một lần dành những lời nhận xét tốt đẹp cho Việt Nam “Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thành phố cảng Đà Nẵng đang trở thành điểm đến đón nhiều tàu từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố này với những địa điểm đẹp như cầu Rồng, các bãi biển xinh đẹp đang thu hút hàng triệu du khách”.
 
Không chỉ là một trong những đất nước thanh bình nhất thế giới, Việt Nam còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực phong phú, những món ăn ngon miệng, đậm đà bản sắc, đem lại ấn tượng khó quên. Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cùng đầu bếp Luke Nguyễn trong dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC có chuyến bách bộ đi ăn sáng bánh mì lề đường ở Đà Nẵng. Trước khi lên đường về Australia, ông Turnbull cho biết sẽ nhớ mãi đặc sản Việt Nam, mà một trong số đó là những chiếc bánh mì được chính những ẩm thực gia hàng đầu ca ngợi.

Ngoài các nguyên thủ, các chính trị gia hàng đầu thế giới, các đại biểu tham dự APEC 2017 cũng bày tỏ những cảm nhận tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh hình ảnh một đất nước năng động, thân thiện, ẩm thực đặc sắc, những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh có chiều sâu cũng là điều hấp dẫn bạn bè quốc tế. Đến thăm làng Lụa ở Hội An nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC, bà Nancy Ann Lange, Phu nhân Tổng thống Peru bày tỏ: “Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Các bạn đã có một bề dày lịch sử đáng ngạc nhiên với những nghề thủ công truyền thống cần gìn giữ. Nghề truyền thống này cần phải được gìn giữ không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai. Cảm ơn APEC đã cho tôi có dịp đến đây và được sống trong không gian này”.

Hình ảnh hàng nghìn người dân địa phương và du khách quốc tế hai bên đường hào hứng chào đón đoàn khi đi thăm phố cổ Hội An đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong các phu quân phu nhân các nhà lãnh đạo APEC.

Tuần lễ APEC 2017 Việt Nam đã đi hết hành trình cuối với nhiều thành công rực rỡ. Từ đây, hình ảnh Việt Nam sẽ theo chân bạn bè, quan khách quốc tế quảng bá rộng rãi khắp 5 châu với hình hình ảnh một đất nước năng động, thân thiện với một nền văn hóa phong phú. Tất cả những yếu tố này thêm một lần nữa chứng minh nhận định rằng: Việt Nam luôn nằm trong top đầu các điểm đến an toàn và thân thiện nhất trên thế giới./.

 

Theo Hồ Điệp, Ánh Huyền, Hoàng Lê/VOV

.