Điện Biên quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Vào hồi 6h50 ngày 15/8, đối tượng Phạm Đức Sỏi đã dùng súng CKC bắn chết vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Vụ số nhà 197, tổ 30 phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng sử dụng súng quân dụng CKC bắn chết 2 người và tự sát, ngoài ra nhiều đối tượng sử dụng súng để phục vụ cho việc vận chuyển, buôn bán ma túy, sẵn sàng bắn, chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ở khu vực biên giới và một số khu vực nội địa.
Đồng chí Thiếu tướng Sùng A Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên trả lời về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn với phóng viên. |
Đồng chí Thiếu tướng Sùng A Hồng – Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Tỉnh Điện Biên là tỉnh miền núi địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, người dân có thói quen sinh hoạt tự cung, tự cấp gắn liền với núi rừng nên tình trạng người dân mua bán, chế tạo, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, súng săn, súng tự chế để săn bắn, thờ cúng, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào địa bàn, tội phạm thường tự trang bị các loại vũ khí quân dụng... để phục vụ cho việc vận chuyển, buôn bán ma túy, sẵn sàng bắn, chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ở khu vực biên giới và một số khu vực nội địa. Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh với các đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ"
Những năm qua, Công an tỉnh Điện Biên thường xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân được trang bị vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia thu hồi và giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn tàng trữ trái phép và trôi nổi ngoài xã hội cũng được tiến hành thường xuyên; đồng thời phát động nhân dân phát hiện, thông báo những đối tượng nghi vấn tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
Trong 5 năm (2012 - 2017), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ, cán bộ lão thành cách mạng đã tham gia kháng chiến, công tác qua các thời kỳ nay nghỉ hưu, nghỉ chế độ về địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân, người thân, con, cháu trong dòng họ gương mẫu chấp hành pháp luật và thực hiện tốt cuộc vận động. Kết quả đã tổ chức hơn 2.260 buổi họp tuyên truyền trực tiếp đến trên 100.000 lượt người tham gia tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, nhất là đồng bào dân tộc biên giới, vùng cao, vùng xa; đồng thời tổ chức cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí và tích cực tham gia công tác giữ gìn tốt an ninh trật tự ở cơ sở.
Sau 5 năm (2012 - 2017) triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cấp, các ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân giao nộp được 8.366 khẩu súng các loại . (ảnh Đặng Phương) |
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, cất giữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Sau 5 năm (2012 - 2017) triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các cấp, các ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân giao nộp được 8.366 khẩu súng các loại (trong đó có 28 khẩu súng quân dụng; 6.829 khẩu súng kíp; 1.483 khẩu súng hơi cồn; 15 khẩu súng thể thao; 09 khẩu súng hơi; 01 khẩu súng ngắn tự chế; 01 khẩu súng săn hai nòng); 195 cò súng kíp; 847 nòng súng kíp; 03 nòng súng hơi cồn; 05 nòng súng quân dụng; 19 thanh kiếm; 211 kíp điện K8; 8,61m dây cháy chậm; 03 hộp tiếp đạn; 938 bẫy kiềng; 54 kích điện; 55,72 kg thuốc nổ; 56 kg thuốc súng; 200,7 kg diêm sinh; 408,3 kg bi sắt; 1.203 vỉ hạt nổ; 33 quả lựu đạn; 53 đầu đạn pháo; 315 đầu đạn cối; 4.066 viên đạn các loại. Trong đó tại địa bàn huyện Mường Nhé đã vận động giao nộp được 1.611 khẩu; huyện Điện Biên Đông 1.531 khẩu; huyện Tuần Giáo 1.301 khẩu; huyện Điện Biên 1.125 khẩu; huyện Nậm Pồ: 832 khẩu; huyện Mường Chà 802 khẩu; huyện Tủa Chùa 697 khẩu; huyện Mường Ảng 351 khẩu; thành phố Điện Biên Phủ 76 khẩu; thị xã Mường Lay 40 khẩu.
Có thể thấy, với những giải pháp cụ thể, cách làm hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã và đang từng bước thực hiện tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Trên cơ sở đó, giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn từ việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên địa bàn./.