Gian nan thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn huyện Mường Chà
Điện Biên TV - Mặc dù các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện Mường Chà đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình theo quy định Pháp lệnh Dân số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn và thách thức bởi những phong tục tập quán của người dân
Một ngày đầu tháng 10, cùng với cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Chà, chúng tôi có dịp tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Dân số trên địa bàn xã Mường Tùng (huyện Mường Chà).
Trước đó, trên quãng đường từ thị trấn Mường Chà đến trung tâm xã, chị Điêu Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện đã chia sẻ nhiều câu chuyện hài, song cũng rất thực tế trong các chuyến đi tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhờ vậy mà chúng tôi đã phần nào thấu hiểu được nỗi vất vả, sự khó khăn của người cán bộ dân số ở vùng cao. Sau quãng đường gần 40km, chúng tôi đến bản Nậm Cang (xã Mường Tùng).
Chị Điêu Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Chà tuyên truyền chính sách dân số cho người dân xã Mường Tùng. |
Khi đến nơi, chị Duyên cùng với cán bộ của Trung tâm triển khai công việc tuyên truyền, tư vấn, vận động về chính sách dân số, lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho dân bản. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã tranh thủ làm quen với một người phụ nữ còn khá trẻ đang dắt 2 con nhỏ đến nghe cán bộ tư vấn.
Đó là chị Ly Thị Mỷ (sinh năm 1995), bản Nậm Cang (xã Mường Tùng). Mặc dù mới 22 tuổi nhưng chị Mỷ lại sắp đón đứa con thứ 3 chào đời. Được biết, trước đó chị Mỷ là một trong những trường hợp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Tuy nhiên lần này cán bộ dân số đến hỗ trợ thì chị đã mang bầu đứa thứ 3 và lại vi phạm Pháp lệnh Dân số.
Khi được hỏi thì chị Mỷ lý giải: “Trước đây, cán bộ dân số đã nhiều lần tuyên truyền chính sách dân số, các biện pháp tránh thai và phân tích cho mình hiểu tác hại của việc sinh đẻ đông con, nhưng chồng thích sinh đông con nên mình đã không sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Có lẽ, vợ chồng mình chỉ sinh đứa con này rồi sẽ nghe theo cán bộ không đẻ nhiều nữa đâu!”.
Từ câu chuyện của vợ chồng chị Mỷ, chúng tôi đã nhận ra một thực tế rằng, một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và sinh đông con để có thêm nhiều người làm. Vì vậy, để họ chấp hành pháp luật dân số, hạn chế sinh con thứ 3 trở lên cần phải làm thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào trong suy nghĩ từ bao đời nay. Để thực hiện điều đó, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng và không phải “một sớm, một chiều” mà thực hiện được. Vấn đề đó cũng được chị Điêu Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Chà đề cập tới trong câu chuyện trên đường đi.
Ngoài ra, chị Duyên cũng chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong công tác truyền thông về dân số trên địa bàn, như: Do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế; kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận, nhận thức về các dịch vụ, cách sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tại Trung tâm còn thiếu; hiện mới chỉ có 4/7 biên chế; nhiều cán bộ mới chưa gắn bó với công tác dân số. Còn đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản có vai trò rất quan trọng, song vì chế độ đãi ngộ còn thấp nên họ chưa thật sự nhiệt tình với công việc. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, buông lỏng quản lý, lãnh đạo, khiến tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên còn khá phổ biến.
Để khắc phục khó khăn, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Chà đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác truyền thông dân số nhằm nâng cao ý thức chấp hành Pháp lệnh Dân số, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên của người dân. 9 tháng đầu năm 2017, cán bộ dân số đã triển khai tuyên truyền nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề 875 buổi, hơn 15.200 lượt người nghe và gần 740 lần thăm hộ gia đình với hơn 2.000 người tham gia.
Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện duy trì việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thường xuyên ở các trạm y tế; thực hiện cấp phát các biện pháp tránh thai phi lâm sàng miễn phí đến đối tượng sử dụng là trên 1.200 vỉ thuốc tránh thai, 600 bao cao su. Đơn vị cũng triển khai hỗ trợ cho 110 phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ ở các xã: Na Sang, Nậm Nèn, Sa Lông… với tổng số tiền 220 triệu đồng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện Pháp lệnh Dân số, song tỷ suất sinh trên địa bàn huyện Mường Chà giảm chậm, không ổn định và còn cao so với các địa phương trong tỉnh; nhiều tiêu chí vẫn chưa đạt so với kế hoạch. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, toàn huyện đã có 296 trường hợp phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách dân số (chiếm 27,4% tổng số ca sinh). Trong đó, các địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, vi phạm Pháp lệnh Dân số/tổng số ca sinh cao trên địa bàn huyện là các xã: Mường Tùng (39,6%); Sá Tổng (chiếm 38,7%); Hừa Ngài (31,3%) và Huổi Mý (31,3%). Mặt khác, số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng cũng đạt thấp so với kế hoạch giao, như: Triệt sản nữ, dụng cụ tử cung; tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi còn cao và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao (117 bé trai/100 bé gái).
Trước thực trạng công tác dân số trên địa bàn huyện Mường Chà phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các chỉ tiêu đặt ra vẫn chưa hoàn thành. Để từng bước nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, rất cần sự đồng thuận và tham gia của cấp ủy, chính quyền các địa phương, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên chức các đơn vị và các tổ chức xã hội cũng như toàn dân để từng bước khống chế tình trạng vi phạm sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
CTV - Phạm Quang