Tạo đà bứt phá cho các xã nông thôn, miền núi

Thứ Bảy, 08/04/2017, 19:23 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chương trình xây dựng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước xác định là chương trình chiến lược sẽ được thực hiện dài hạn. Với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, chương trình XDNTM sẽ còn gặp không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội, là động lực giúp các xã miền núi biên giới của tỉnh tạo đà bứt phá vượt qua những khó khăn hiện tại.

Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016 – 2020 trên toàn quốc đã bước sang năm thứ hai. Chính phủ đã xác định, do điều kiện kinh tế xã hội mỗi vùng còn nhiều khó khăn, nên một số chỉ tiêu có tính đặc thù cao giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động quy định. Đây là chủ trương giúp các địa phương chủ động xây dựng một số tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế. Với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Điện Biên, chương trình có ý nghĩa động viên rất lớn, giúp chính quyền và nhân dân các địa phương đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể, tạo đà bứt phá.
        

1
Chương trình XDNTM, là có được sự đồng lòng, đông thuận của mọi tầng lớp nhân dân

 

 Chương trình XDNTM ở tỉnh Điện Biên được triển khai từ năm 2009. Xã đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện thí điểm chương trình là xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. Huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của địa phương và sự chung tay góp sức của nhân dân, sau 6 năm triển khai chương trình, xã này đã cán đích NTM vào năm 2015.

Từ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Thanh Chăn, giai đoạn 2016 – 2020, 116 xã trên toàn tỉnh đã ra sức phấn đấu phát huy tiềm năng, thế mạnh và nội lực của địa phương, từng bước hoàn thành các tiêu chí của chương trình. Tính đến hết năm 2016 tỉnh ta có 4/116 đạt chuẩn nông thôn mới, gồm các xã: Thanh Chăn, Noong Hẹt, huyện Điện Biên ; xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng và xã Thanh Minh, TP.Điện Biên Phủ. Chúng ta cũng đã có 4 xã cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí NTM là các xã: Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương, huyện Điện Biên và xã Nay Lưa, thị xã Mường Lay.

Các huyện có số tiêu chí bình quân/xã đạt khá là: thành phố Điện Biên Phủ với 15 tiêu chí/xã ; thị xã Mường Lay 17 tiêu chí/xã ; huyện Điện Biên 8,8 tiêu chí/xã và huyện Mường Chà 6,2 tiêu chí/xã. Các huyện còn lại bình quân đạt từ 4,6-5,3 tiêu chí/xã.

Xã Noong Hẹt là 1 trong 4 xã của huyện Điện Biên thực hiện kế hoạch về đích xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2016. Trong năm này xã đã huy động được trên 4,7 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,1 tỉ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản. Hết năm 2016 xã có 6,9/11,2 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa, đạt 61,9%. hệ thống đường liên thôn, đường trục thôn, bản của xã đêu đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện có hiệu quả các mô hình cải tạo vườn tạp, sản xuất lúa thuần chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu nhập bình quân năm 2016 của xã đạt 22,1 triệu đồng/người/năm ; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 8%. Xã đã xây dựng được điểm tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng và vui chơi giải trí, có chợ nông thôn là trung tâm giao lưu, trao đổi hàng hóa của các xã phía nam lòng chảo Điện Biên. Qua rà soát, Noong Hẹt đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, trong tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, xã còn 1 nội dung chưa đạt. Đến nay Noong Hẹt mới có 4/27 thôn bản có nhà văn hóa. Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, xã vẫn còn 65 nhà tạm, dột nát. Các nội dung này xã đang tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Điện Biên có 398,5 km đường biên giới quốc gia. Nằm trên khu vực biên giới có 29 xã, thuộc 4 huyện. Việc chăm lo xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu giúp chúng ta thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này. Có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tại 29 xã biên giới của tỉnh, sau gần 6 năm thực hiện chương trình, cơ sở hạ tầng nông thôn đang dần được nâng cấp, quy hoạch nông thôn được xây dựng theo hướng phát triển toàn diện.

Xã Thanh Luông là xã biên giới thuộc huyện Điện Biên. Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt 3 tiêu chí. Sau 6 năm thực hiện chương trình, xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Để đạt được kết quả trên, Thanh Luông đã sử dụng kinh phí do ngân sách trung ương phân bổ trên 6,7 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp 6,2 tỷ đồng.

Cách làm của xã là tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, giúp cho bộ mặt nông thôn của xã nhanh chóng đổi thay. Hiện hệ thống đường giao thông nông thôn liên thôn bản trên địa bàn đã dần được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thông thương, sản xuất hàng hóa của người dân.

Xã cũng đã xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ; mô hình trồng rau sạch ; mô hình nuôi cá lồng bè… Các giải pháp phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo đã giúp thu nhập bình quân của xã từ 6,9 triệu đồng năm 2009 lên 18,7 triệu đồng năm 2016. Số hộ nghèo của xã cũng giản từ 23,4% năm 2011 xuống còn trên 9% năm 2016. Hiện xã còn 3 tiêu chí còn tiếp tục phải thực hiện là: tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư và tiêu chí số 17 về môi trường. Xã Thanh Luông được UBND tỉnh công nhận là một trong 4 xã cơ bản đạt chuẩn từ 15 đến 19 tiêu chí NTM năm 2016.
 
 Phải nói rằng, thuận lợi lớn nhất của tỉnh Điện Biên khi triển khai Chương trình XDNTM, là có được sự đồng lòng, đông thuận của mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự thôn, bản được đảm bảo, là nền tảng quan trọng để chương trình XDNTM trên toàn tỉnh được triển khai kịp thời, trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên cũng phải nhìn vào thực tế, khó khăn lớn nhất của chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm. Do cơ sở hạ tầng của các xã, đặc biệt là đường giao thông nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hơn nữa việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình ở các xã vùng sâu, vùng xa còn lúng túng, do trình độ, năng lực của cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa chủ động được trong công việc.

Hiện nay nguồn lực thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân rất thấp. Đây cũng là một khó khăn không thể không kể đến.
      

1
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã Lay Nưa - Thị xã Mường Lay đã cơ bản xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Điện Biên tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trên địa bàn 116 xã, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM. Mục tiêu tỉnh đặt ra cho giai đoạn này là: phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Điện Biên có 2/10 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn NTM ; sẽ có 35 xã cơ bản đạt từ 15 đến 19 tiêu chí NTM và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Riêng trong năm 2017, 4 xã được công nhân đạt chuẩn NTM và 4 xã cơ bản đạt từ 15 đến 19 tiếu chí, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì giữ vững các tiêu chí đã đạt được và hoàn thiện một số nội dung, tiêu chí còn thiếu. Đến cuối năm nay sẽ có thêm 7 xã phấn đấu cơ bản đạt tư 15-19 tiêu chí NTM gồm các xã: Thanh Yên, Thanh An, Pom Lót, Mường Phăng, Thanh Nưa của huyện Điện Biên ; xã Tà Lèng của TP.Điện Biên Phủ và Sín Thầu của huyện Mường Nhé. Sẽ cần có các giải pháp cụ thể để chúng ta hoàn thành các mục tiêu này.

Trong thời gian tới, chương trình XDNTM của tỉnh sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức bởi bên cạnh các xã đã cơ bản hoàn thành từ 15 đến 19 tiêu chí XDNTM, 98 xã còn lại đa phần đều là xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.  Trước những khó khăn, thách thức ấy việc phát huy vai trò, vị trí của các địa phương đi dầu trong chương trình XDNTM có ý nghĩa quan trọng. Những bài học thực tiễn, sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình NTM kiểu mẫu, mà các xã này thực hiện và chia sẻ, sẽ giúp các địa phương khác học tập, xây dựng cho mình mô hình phù hợp.
                                                                     

 

Minh Giang – Anh Tuấn

 

.