Chương trình học VNEN có nên áp dụng ở các tỉnh miền núi?

Thứ Sáu, 23/09/2016, 16:19 [GMT+7]

Xuất hiện nhiều luồng ý kiến về việc có nên tiếp tục duy trì mô hình học VNEN sau 3 năm thực hiện thí điểm.

Sau 3 năm thực hiện thí điểm, Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam đã kết thúc. Tại tỉnh miền núi Sơn La, nơi có nhiều học sinh dân tộc, nhận thức học sinh không đồng đều vẫn còn nhiều luồng ý kiến về việc có nên tiếp tục duy trì mô hình học này hay không.
Trường Tiểu học Tư thục Ngọc Linh là một trong số ít trường trên địa bàn thành phố Sơn La không thực hiện mô hình trường học mới VNEN. Mặc dù đây là trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 có cơ sở vật chất khang trang, có phòng học, phòng ăn, phòng ngủ riêng.

1
Ảnh minh họa.

 

Cô Nguyễn thị Hồng, Hiệu trưởng trường tiểu học tư thục Ngọc Linh cho biết: Năm học 2014/2015, trường cũng triển khai thí điểm mô hình học này ở bậc học lớp 3, tuy nhiên chỉ thực hiện 1 năm rồi dừng lại. Theo cô Hồng, khi giảng dạy theo mô hình này, cô giáo nhàn hơn không phải nói nhiều, không phải soạn giáo án. Tuy nhiên, chỉ 20% học sinh trong lớp phát huy được tính chủ động, tiếp thu được nội dung bài giảng.
Trong khi dạy và học theo mô hình cũ thì dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học sinh vẫn có sự chủ động, được bày tỏ ý kiến, thảo luận về bài học. Học sinh vẫn đạt kết quả cao trong học tập. Trường Tiểu học tư thục Ngọc Linh vẫn luôn đứng trong tốp đầu của thành phố khi tham gia các kỳ thi của thành phố và tỉnh tổ chức. Cô Nguyễn thị Hồng bày tỏ quan điểm:
“Số lượng học sinh ít, lớp rộng, thầy cô giáo được tập huấn kỹ cũng như phải có tương tác không chỉ có cô giáo thì mới học mô hình này được. Đối tượng học sinh phải phân loại thì mới học mô hình này được, chứ học sinh yếu hoặc trung bình mà ngồi với nhau thì không được”.
Trường Tiểu học Hua La, xã Hua La, thành phố Sơn La có trên 90% học sinh là người dân tộc, chủ yếu là dân tộc Thái, trình độ không đồng đều. Trước đây thực hiện theo mô hình cũ, thầy cô giáo cũng khá vất vả để các em có thể hiểu được bài giảng, chứ chưa nói đến việc để các em tự thảo luận, bày tỏ ý kiến về bài học theo như mô hình VNEN.

Những em học sinh khá giỏi thì có thể phát huy được khả năng, những học sinh yếu, dốt thì càng dốt hơn. Thầy giáo Hà Văn Pản, trường tiểu học Hua La cho rằng mô hình này chưa thực sự phù hợp với học sinh ở địa bàn có nhiều học sinh dân tộc và kinh tế còn nhiều khó khăn như Hua La.
“Đối với vùng xã thì cũng khó khăn, các em nói tiếng phổ thông còn chưa thạo nên cũng bất cập trong tổ chức hoạt động nhóm để các em đưa ra các câu hỏi, các câu trả lời”.

Đó là ý kiến của chính những người trực tiếp làm công tác giảng dạy, đối với phụ huynh học sinh cũng không tránh khỏi lo lắng khi con em mình những năm qua là đối tượng để thực hiện thí điểm mô hình trường học mới. Nhiều phụ huynh không đồng tình với cách bố trí bàn học hiện nay, các cháu phải ngoảnh cổ, vẹo lưng để quay lên bảng nghe cô hướng dẫn, điều đó có thể ảnh hưởng đến thể chất của các cháu. Và cách học này cũng chỉ phù hợp với các cháu có năng lực học khá, giỏi.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục-đào tạo tỉnh Sơn La, trong năm học 2015/2016, toàn tỉnh có 110 trường, trong tổng số 297 trường học theo mô hình VNEN. Đến năm học 2016/2017, vẫn còn 107 trường duy trì mô hình học này. Báo cáo cũng khẳng định mô hình này đã giúp nhà trường, giáo viên thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học; học sinh mạnh dạn, tự tin, tích cực hoạt động trong giờ học, tự tìm tòi khám phá chiếm lĩnh kiến thức và thực hành ứng dụng.
 
Chính quyền địa phương, cộng đồng nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc ở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Sơn La cũng thừa nhận: Ở tỉnh miền núi như Sơn La, thì mô hình học này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Sĩ số học sinh hiện còn quá đông, diện tích phòng nhỏ hẹp nên việc bố trí học nhóm khó khăn, ảnh hưởng đến các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh. Năng lực của giáo viên và học sinh cũng không đồng đều, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nên khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới. Ông Phạm Đăng Quang cho biết:
“Chúng tôi đã có kế hoạch sẽ tiếp tục có những cuộc hội thảo nghiêm túc để có thể tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định dừng hay tiếp tục mô hình này. Hiện nay chúng tôi khuyến khích các trường trên cơ sở tự nguyện, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng được thì vẫn tiếp tục duy trì”.
 
Đổi mới trong dạy học là điều nên làm, nhưng đối với điều kiện thực tế của địa phương, tỉnh miền núi Sơn La cũng nên nghiên cứu, xem xét để duy trì hay không mô hình này trong thời gian tới, nhất là trình độ nhận thức của các em học sinh ở các địa phương trong tỉnh không đồng đều ./.

 

Theo VOV

.