Điện Biên: Cần chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ trong thời gian sắp tới
Điện Biên TV - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trên địa bàn Tỉnh Điện Biên trong thời gian sắp tới có những diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy tỉnh Điện Biên cần chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Nhìn lại trận mưa lũ năm 2015
Trận mưa lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên trong 8/2015 đã làm hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, chủ yếu tập trung ở khu vực Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ, mưa lũ đã làm cho 456 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 11 ngôi nhà bị đổ và cuốn trôi hoàn toàn; 410 ngôi nhà bị đất đá sạt lấp và bị ngập nước. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã khiến cho 709ha lúa ruộng; 423ha cây lương thực và hoa màu bị bồi lấp, xói lở và bị lũ cuốn trôi.
Trận mưa lũ 8/2015 gây thiệt hại ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên là gần 300 tỷ đồng.( ảnh dienbientv.vn ) |
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết trận mưa lũ 8/2015 gây thiệt hại ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh là gần 300 tỷ đồng.
Cần Chủ động các phương án ứng phó để hạn chế thiệt hại
Trong thời gian qua, với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về thiên tai, bão lụt để chủ động các biện pháp phòng tránh, trong đó đặc biệt chú ý tuyên truyền cho tầng lớp học sinh, trẻ em các biện pháp phòng tránh lũ, đuối nước…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trên địa bàn Tỉnh Điện Biên trong mấy ngày sắp tới có những diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, sự chủ động để sẵn sàng đối phó với thiên tai và sự linh hoạt khi tiếp cận với các hiện tượng thời tiết bất thường nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cũng như đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Phòng, chống bão lũ và thiên tai là công việc rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng từ tỉnh đến địa phương. Để phòng, tránh thiên tai có hiệu quả, phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống./.
Tử Long