Dạy trẻ tránh "yêu râu xanh"

Thứ Hai, 06/06/2016, 12:07 [GMT+7]

Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh “yêu râu xanh” sẽ hạn chế những vụ việc đau lòng.
 
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%); năm 2011, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.045 em; năm 2012 là 1.209 em; năm 2013 là 1.326 em; năm 2014 là 1.544 em.

Nếu phụ huynh và học sinh có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em có thể gọi điện thoại theo số 1800 1567. Khi nhận thông tin, cán bộ phụ trách sẽ tư vấn hoặc yêu cầu đơn vị ở địa phương phối hợp làm rõ thông tin và bảo vệ trẻ em bị xâm hại. Những năm gần đây, số trẻ bị xâm hại tình dục không ngừng gia tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng.

1

Trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh

Tháng 5 vừa qua, Phòng cảnh sát hình sự (Công an Hà Tĩnh) khởi tố, tạm giam Nguyễn Văn An (52 tuổi, trú huyện Kỳ Anh) về tội hiếp dâm trẻ em. Ngày 27/4, gặp bé hàng xóm 7 tuổi trên đường đến trường, Nguyễn Văn An vờ tốt bụng nói chở cháu tới trường. Tuy nhiên, ông ta lại chở bé về nhà để thực hiện hành vi hiếp dâm. Sự việc sau đó được tố cáo tới cơ quan công an, ngày 29/5, Nguyễn Văn An bị bắt.

Trước đó, vào tháng 3, thông tin một bảo vệ trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) có hành vi dâm ô 23 học sinh trong trường khiến dư luận bàng hoàng, phẫn uất. Sau vụ việc nghiêm trọng này, nhiều người đã lên tiếng yêu cầu ngành giáo dục rà soát lại công tác đảm bảo an toàn cho trẻ ở những trường nội trú, bán trú.

Một điều dễ nhận thấy qua các vụ xâm hại tình dục là trẻ đang thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình và người lớn cũng chưa nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng của sự việc để có những biện pháp cần thiết bảo vệ trẻ. Thậm chí có gia đình khi phát hiện con em bị xâm hại tình dục còn cho đó là chuyện đáng xấu hổ, tìm cách giấu sự việc hoặc tự thỏa thuận với “yêu râu xanh” mà không tố cáo đến cơ quan công an khiến “yêu râu xanh” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tái phạm.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, nhận xét, điều luật của Việt Nam tương đối đầy đủ và khá nghiêm khắc với tội danh xâm hại tình dục trẻ em, nhưng luật pháp Việt Nam chỉ xử lý hành vi khi xảy ra hậu quả. Điều đó có nghĩa là “yêu râu xanh” có tư tưởng đồi bại mà không bị xử lý, không bị ngăn chặn thì chúng sẽ tìm cách thực hiện hành vi, khi đó chúng ta phải đi dọn “hậu quả”, chứ không thể nào ngăn chặn được “hậu quả”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nhà trường chỉ quan tâm nhồi nhét cho các em kiến thức văn hóa mà thiếu quan tâm đến việc trang bị cho các em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa xâm hại tình dục.         

Bên cạnh đó, mạng lưới cán bộ, cộng tác viên chuyên trách về mảng trẻ em vừa thiếu, vừa yếu nên việc bảo vệ cũng như tuyên truyền, trang bị cho các em những kiến thức để tự bảo vệ mình không hiệu quả. Các tài liệu về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục lại khô khan, không thu hút các em tìm đọc.

Tăng cường giáo dục giới tính trong nhà trường

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần đưa vấn đề giáo dục giới tính thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, trong đó trọng tâm là các kiến thức về sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi và các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục để trẻ được tiếp thu kiến thức một cách bài bản chứ không phải chỉ là dạy cho có.

Từ đầu năm 2015 đến nay, TS. Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM cùng đồng nghiệp mở hàng trăm tiết học miễn phí tại một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM dạy các em kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục.

Mỗi tiết học của cô Trang gồm 12 phút chiếu phim “Bạn cần biết nói không” và 40 phút dạy kỹ năng thông qua các câu hỏi đặt ra từ tình huống trong phim.

Theo TS. Trang, số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta năm sau cao hơn năm trước là do xã hội chưa quan tâm đúng mức vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ và chưa ý thức rõ tác hại của xâm hại tình dục đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này.

Chị Đinh Thị Thu, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Âu Cơ (TPHCM), cho biết: “Hằng ngày đọc thông tin về những vụ xâm hại tình dục trẻ em trên báo chí, tôi rất lo lắng cho con mình. Khi lớp của con được cô Trang đến trang bị những kiến thức cần thiết để cháu biết cách tự bảo vệ mình, tôi rất mừng. Tuy nhiên, nếu chỉ học có một vài buổi rồi thôi, tôi sợ cháu lại quên những gì đã học được.Tôi mong đây là môn học bắt buộc trong nhà trường, vì được học thường xuyên trẻ mới hình thành phản xạ nhanh đối phó với những trường hợp xấu”./.

 

Theo VOV

.