Xét tuyển đại học 2015: Mệt mỏi "cuộc đua" nộp và rút hồ sơ

Chủ Nhật, 16/08/2015, 15:02 [GMT+7]

Nhiều gia đình rất vất vả, phải chầu trực để rút – nộp hồ sơ và luôn sống trong tâm trạng bất an.

Càng đến những ngày cuối, đợt xét tuyển đầu tiên vào đại học chính quy năm 2015 càng trở nên căng thẳng cho cả thí sinh và phụ huynh. Thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và thí sinh chưa nộp hồ sơ đều phải kiểm tra thông tin xét tuyển của các trường để biết điểm số của mình ở mức nào, khả năng trúng tuyển ra sao để nộp hồ sơ hoặc rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Việc phải thường xuyên theo dõi thông tin xét tuyển, rồi tới các trường để nộp hoặc rút hồ sơ giống như cuộc “chạy đua” khiến cả thí sinh, phụ huynh mệt mỏi.
 

1
Cuộc đua rút-nộp hồ sơ khiến nhiều thí sinh mệt mỏi, lo lắng.

 

Sau hơn 10 ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm xét tuyển là 20 điểm, em Đoàn Việt Trung, ở Ngũ Hiệp, Thanh Trì, thành phố Hà Nội lại đến trường để làm thủ tục rút hồ sơ. Hai mẹ con đi từ 6 giờ sáng, sau khi xếp hàng làm thủ tục rút hồ sơ thì nhận được giấy hẹn của trường sẽ trả hồ sơ vào sáng hôm sau. Theo đúng hẹn, sáng hôm sau Trung quay lại trường để nhận hồ sơ nhưng lại phải xếp hàng từ sáng sớm tới gần 10 giờ mới nhận được hồ sơ. Bà Trần Thị Dư, mẹ của Trung lo lắng, nếu việc rút hồ sơ ở các trường đều khó khăn như ở Trường Đại học Bách khoa thì có thể cháu sẽ không kịp nộp vào trường đại học khác và không có cơ hội trúng tuyển trong đợt xét tuyển này.

“Tôi mất ăn, mất ngủ, cứ chầu chực như thế này. Bây giờ còn khổ hơn là lúc chưa thi, loạn hết cả đầu óc lên. Cả cha mẹ lẫn con cái, không ăn không ngủ được vì ngồi tra cứu, nghiên cứu sẽ vào đâu, có được không hay đi trường nào bây giờ, không trường nào nhận nữa thì lại ở nhà, bởi vì còn có mấy ngày nữa thôi. Mà cứ đi long nhong hết trường nọ đến trường kia, tôi rất bức xúc. Tôi thấy phải làm lại như thế nào chứ như thế này gây khó khăn phiền hà cho nhân dân quá” – bà Dư than thở.

Dù không gặp khó khăn khi rút hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhưng Mai Thúy Quỳnh ở Hà Nội cho biết, rất hoang mang không biết nên nộp vào trường nào vì điểm không cao, chỉ 20 điểm. Trong khi đó, hiện có nhiều thí sinh điểm cao vẫn “ém” hồ sơ đợi đến cuối đợt mới nộp nên cơ hội trúng tuyển của em rất mong manh: “Em sợ là mình sẽ bị quá chỉ tiêu ở các trường tiếp theo, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi nộp hồ sơ lần thứ 2 này. Vừa phải theo dõi trên mạng, vừa phải cập nhật thông tin thường xuyên và mình phải đi rút hồ sơ xong lại phải đi nộp hồ sơ và  xem xét các trường nữa nên cũng cảm thấy vất vả”.

Việc phải theo dõi thông tin tuyển sinh qua mạng internet đã gây khó khăn, vất vả cho thí sinh ở những thành phố, thì với những thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn. Đỗ Thị Kim Thoa, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, nhà không có máy tính nối mạng internet, hàng ngày em phải sang nhà bạn ở cùng xã để theo dõi thông tin xét tuyển của trường. Tuy nhiên, bảng danh sách thí sinh nộp hồ sơ giống như ma trận khiến Thoa không thể biết điểm của mình đứng thứ bao nhiêu, có cơ hội trúng tuyển hay không. Thoa chia sẻ: “Thực ra vừa có cái lợi, vừa có cái hại. Lợi thì mình biết được điểm thi của mình để đăng ký, còn hại thì mức cạnh tranh sẽ cao hơn. Nếu các bạn điểm cao, thì sẽ không lo lắng nhiều như các bạn điểm thấp. Các bạn điểm thấp phải theo dõi thường xuyên để có thể rút hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng hợp lý hơn. Theo dõi vị trí của mình thì chỉ theo dõi được vị trí ở nguyện vọng 1 thôi, còn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 thì không biết”.

Do quá mệt mỏi trong việc theo dõi thông tin xét tuyển của các trường, một số thí sinh đành nộp hồ sơ theo kiểu “may- rủi”, hoặc “nộp hồ sơ cho xong”. Em Đinh Thị Thanh Huyền, ở Ý Yên, tỉnh Nam Định, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Thủy lợi cho biết: “Em được 18 điểm, cộng với 1 điểm nông thôn là 19. Đến bây giờ em nộp cả 3 nguyện vọng rồi, nếu mà trượt cả 3 thì em đợi đến nguyện vọng bổ sung em nộp vào trường khác. Chắc là không lên rút nữa đâu ạ, bởi vì giờ rút cũng khó khăn cho em, mà em ở quê lên, giờ rút em lại phải lên một lần nữa mà em mới lên, đến hôm nay em vẫn phải đi hỏi đường”.

Có thể thấy, dù thời gian xét tuyển vào đại học chính quy đợt 1 chưa kết thúc nhưng đã bộc lộ khá nhiều bất cập, gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thí sinh và phụ huynh. Giảm bớt cho thí sinh 1 đợt thi, nhưng kỳ thi THPT quốc gia lại tăng thêm cho các em và phụ huynh gánh nặng về tâm lý, tiền bạc do phải đi nộp và rút hồ sơ nhiều lần mà không biết cơ hội trúng tuyển sẽ như thế nào. Đây là thực tế cần được ngành giáo dục và đào tạo xem xét, rút kinh nghiệm và tìm ra giải pháp phù hợp trong các đợt xét tuyển năm sau./.

 

Theo VOV
 

.