Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nghiêm Vũ Khải thăm, kiểm tra dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Thứ Hai, 14/05/2012, 13:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 13/5, đồng chí Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ cùng đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra tình hình thực hiện dự án “Sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược phẩm” đã và đang được triển khai, thực hiện tại Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp tỉnh Điện Biên.

Ông Nghiêm Vũ Khải
Đ/c Nghiêm Vũ Khải và đoàn công tác làm việc với Cty Cổ phẩn Giống nông nghiệp Điện Biên

Dự án “Sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược phẩm” nằm trong chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi” giai đoạn 2011 – 2015, do Bộ Khoa học - Công nghệ hỗ trợ tỉnh Điện Biên, với tổng kinh phí thực hiện 3,5 tỷ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ Trung ương hơn 1,8 tỷ đồng. Trên cơ sở quyết định do UBND tỉnh phê duyệt, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì dự án. Đên thời điểm này, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện di truyền nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức được 6 lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, bảo quản sơ chế nấm cho 180 người. Mô hình ứng dụng sản xuất giống các loại nấm sò, nẫm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi, mộc nhĩ không chỉ đã và đang được triển khai, thực hiện tại công ty, mà đã mở rộng quy mô của dự án ra đông đảo các hộ gia đình khu vực lòng chảo Điện Biên và một số khu, điểm tái định cư tại xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay. Qua thời gian hơn 1 năm triển khai, dự án đã sản xuất được 170 tấn nấm các loại xuất bán ra thị trường. Các loại nấm sinh trưởng, phát triển ổn định và được nhận định là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chỉ tính riêng nấm rơm, trong thời gian 45 ngày cho một quy trình khép kín từ khi ngâm ủ đến khi nấm cho thu hoạch, người dân chỉ phải đầu tư 1,2 triệu đồng tiền nguyên liệu và giống, đã có thể cho thu hoạch trên 20 triệu đồng. Bên cạnh dự tham gia nhiệt tình của các hộ gia đình được hưởng lợi của dự án, nhận thấy nguồn lợi kinh tế từ trồng các loại nấm, nhiều hộ gia đình khu vực lòng chảo Điện Biên đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển quy mô trồng nấm của gia đình. Được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nấm theo quy trình công nghệ sạch, mà từ trồng nấm, nhiều hộ gia đình đã nâng cao được nguồn thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiện nay, số lượng giống sản xuất không đáp ứng đủ so với nhu cầu của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục đầu tư kinh phí để mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư mua mới hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động sản xuất nấm ngay tại địa phương.

Ông Nghiêm Vũ Khải
Đ/c Nghiêm Vũ Khải và đoàn công tác thăm địa điểm sản xuất giống nấm


Phát biểu kết luận chương trình làm việc, đồng chí Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện dự án. Đến thời điểm này, về cơ bản tiến độ triển khai các hạng mục thành phần của dự án đã đáp ứng được so với yều cầu đề ra, dự án đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng, thể hiện qua số lượng các sản phẩm nấm sản xuất dược trong thời gian qua. Việc triển khai “Sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược phẩm” tại Điện Biên, không chỉ tận dụng được nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp mà còn từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế từ thời gian nhàn rỗi của người nông dân, để nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình. Nấm là một trong ba sản phẩm dự bị trong danh mục sản phẩm chính của quốc gia, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 439 ngày 16/4 vừa qua. Để tiến tới xây dựng Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên trở thành một trung tâm sản xuất giống của khu vực Tây Bắc, và từng bước đưa nấm trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh sau cây lúa, trong thời gian tới, đơn vị cần phải xây dựng được quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, dựa trên lợi thế về diện tích đất sản xuất lúa rộng lớn của tỉnh. Bên cạnh các địa bàn được dự án hỗ trợ, đơn vị cũng phải chủ động xây dựng mô hình điểm ở một số xã khu vực lòng chảo Điện Biên với quy mô của một làng nghề, có như vậy mới tạo ra được nguồn sản phẩm từ nấm có số lượng lớn, trở thành một loại hàng hóa trên thị trường. Để tránh những rủi ro đáng tiếc cho người nông dân, duy trì được sự phát triển của dự án sau khi thời gian hỗ trợ kết thúc, quy trình chăm sóc nấm theo tiêu chuẩn của một loại sản phẩm tiêu dùng sạch cũng cần phải được đơn vị chú trọng, đồng thời phải chủ động tìm đầu ra cho mặt hàng này, khi mà số lượng sản phẩm từ nấm sản xuất tại chỗ tăng cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt mà Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên phải thực hiện, đó là đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giống cho nhân dân trên địa bàn, vì sự ủng hộ, đồng thuận của người dân chính là tiền đề vững chắc để duy trì và phát triển quy mô của dự án.

Tiếp đó, đồng chí Nghiêm Vũ Khải cùng đoàn công tác của Bộ Khoa học – Công nghệ đã đến thăm khu vực triển khai dự án phát triển diện tích trồng bạch đàn bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; thăm một số gia đình tham gia dự án “Sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược phẩm” tại một số xã của huyện Điện Biên; địa điếm sản xuất giống nấm của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện di truyền nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trạm giống nông nghiệp huyện Điện Biên.

 



Bùi Quang

.