ĐIỆN BIÊN:

Vì sao tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở huyện Nậm Pồ còn cao

Thứ Bảy, 26/10/2019, 15:59 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo báo cáo của Sở y tế, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi tại tỉnh Điện Biên là hơn 38%o, tăng 2,2%o so với cùng kỳ năm 2018. Địa phương có tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi cao chủ yếu là ở các huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà...

Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ, trong 9 tháng đầu năm, toàn huyện có 85 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm tỷ lệ trên 68%o; nhiều nhất là tại các xã Na Cô Sa 22 trường hợp; Nà Khoa 9 trường hợp... Trong số các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn thì chiếm phần lớn là trẻ dưới 1 tuổi với tỷ lệ trên 88%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, một trong số đó xuất phát từ chính những hạn chế về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ của người dân.

q
Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ, trong 9 tháng đầu năm, toàn huyện có 85 trẻ dưới 5 tuổi tử vong,

Chị Lý Thị Vang, bản Ham Xoong 2, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ cho biết: Không có ai trông con cho nên mình đi nương mình phải mang con đi theo, khi con không ốm nặng thì mình để nó ở nhà tự cho nó uống thuốc thôi, còn khi nó ốm nặng rồi mình mới mang nó đi viện...

Y sĩ Lù Văn Lâm, Phó trạm trưởng trạm y tế xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ cho biết: Trên địa bàn người dân tộc Mông chiếm đến hơn 93%, trong các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và có con nhỏ thì tỷ lệ biết chữ thấp, hoạt động truyền thông đang gặp nhiều khó khăn.

Nội dung truyền thông vì thế không đến được với người dân, còn lại thì do đường xá, giao thông đi lại khó khăn cũng là 1 cái cản trở nhất là vào mùa mưa lũ. Một bộ phận nhỏ người dân  không hưởng ứng các hoạt động y tế nên khi được triển khai thì người dân cũng không chấp nhận sử dụng các hoạt động y tế. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn thiếu kiến thức chăm sóc trẻ và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh

Ghi nhận từ thực tế tại huyện Nậm Pồ, đối với những địa bàn gần trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nhận thức của người dân cao hơn thì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong cũng ít hơn. Trong khi ở các xã xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn như: Na Cô Sa, Nậm Chua, Vàng Đán, Pa Tần... thì luôn chiếm tỷ lệ cao. Như vậy, có thể thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu tâm là trong các trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong thì có đến hơn 89% là con em đồng bào dân tộc Mông và có tới gần 46% trẻ tử vong tại nhà. Con số đó đã nói lên một sự thật đáng báo động về sự chủ quan, thiếu hiểu biết của phụ huynh đối với sức khỏe, tính mạng của con em mình. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng này, huyện Nậm Pồ đang tập trung thực hiện một số giải pháp.

1
Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm mục đích nâng cao kiến thức của người dân trong việc hướng dẫn  người dân cách phát hiện sớm bệnh của các cháu nhỏ để đưa sớm đến cơ sở y tế.

Bác sĩ CKI Trần Hạnh Nam - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc trong vấn đề nâng cao nhận thức cho người dân. Thứ hai là chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm mục đích nâng cao kiến thức của người dân trong việc hướng dẫn  người dân cách phát hiện sớm bệnh của các cháu nhỏ để đưa sớm đến cơ sở y tế.

Chúng tôi cũng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, y tế tại huyện, xã, nhân viên y tế thôn bản về chăm sóc trẻ nhỏ nhằm nâng cao kiến thức của cán bộ cách khám, điều trị bệnh cho trẻ nhỏ và hướng dẫn, tư vấn cho người dân cách chăm sóc trẻ và phát hiện bệnh ở trẻ sớm

Nếu như chính mỗi phụ huynh không tự nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho con em mình thì những sự cố gắng, nỗ lực của ngành y tế sẽ là không đủ để có thể kéo giảm tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi ở huyện Nậm Pồ. Bởi vậy, huyện Nậm Pồ đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó quan trọng nhất là công tác truyền thông đến người dân; thực hiện các chiến lược can thiệp để giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em như: tăng cường triển khai kế hoạch hóa gia đình, đào tạo cán bộ có chuyên môn vững... Đây đang là những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong tại địa bàn trong thời gian tới./.
                            

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN

.