Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Bệnh viện lo ảnh hưởng đến tài chính

Thứ Ba, 08/10/2019, 06:40 [GMT+7]

Với mức phí dịch vụ ngân hàng cao, khi triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến tài chính của bệnh viện.

Hiện nay, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là văn minh và tiện ích. Tuy nhiên, với mức phí dịch vụ ngân hàng cao như hiện nay, hình thức này đang trở thành gánh nặng cho bệnh viện. Hiện, mức phí dịch vụ mà các bệnh viện phải trả cho các ngân hàng là từ 0,22 - 0,88%/số tiền giao dịch, tùy từng loại thẻ hay mã QR Code.

1
Thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR tại ĐH Y dược TPHCM. (Ảnh: Lao Động)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chi phí bình quân phát hành 1 thẻ vào khoảng 5USD/thẻ, trong khi chi phí phát hành thẻ trên thế giới khoảng 1USD/thẻ. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS, việc triển khai POS vẫn còn những bất cập cần xử lý. Vẫn còn một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán qua thẻ, như: phí thường niên, phí in sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM... Đối với các điểm chấp nhận thẻ phải trả phí dịch vụ 2% để phục vụ các khoản đầu tư máy POS...

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện nay việc triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện về cơ bản chưa được nhiều, bởi hầu hết người bệnh thuộc khu vực vùng sâu vùng xa. Vì vậy, người dân chưa có thói quen dùng thẻ thanh toán viện phí.  

Ông Hoàng Xuân Đoài- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, bệnh viện cũng đang từng bước triển khai, đồng thời động viên, hướng dẫn tuyên truyền người dân sử dụng hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện phí thẻ ngân hàng khá cao. Trong khi đó, bệnh viện phải chịu phí thẻ này cho người bệnh, vì vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của bệnh viện.

“Về cơ bản, sau này nếu triển khai đồng bộ, số lượng lớn thì sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến tài chính của bệnh viện. Chúng tôi kiến nghị hệ thống ngân hàng kết nối với bệnh viện có chính sách ưu ái, giảm một phần chi phí thẻ ngân hàng cho bệnh viện thì việc triển khai sẽ hiệu quả hơn”- ông Hoàng Xuân Đoài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng cho rằng, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí, nhân lực, quản trị hiệu quả hơn; Đồng thời rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng theo PGS Nguyễn Thanh Hồi, với mức phí thẻ ngân hàng khá cao (khoảng 0,8%), bệnh viện phải gánh mà không thu được của người bệnh. Vì vậy, phần nào ảnh hưởng tới công tác triển khai sử dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt của bệnh viện.

Một số bệnh viện cho rằng, cần có cơ chế tài chính để bệnh viện dễ dàng chi trả chi phí dịch vụ thanh toán điện tử với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán. Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rắng, thời gian tới, các ngân hàng cần có cơ chế ưu đãi về phí giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đối với các cơ sở y tế.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách hỗ trợ xây dựng một số điểm chấp nhận hình thức thanh toán qua thẻ ở khu vực nông thôn. Qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy người dân có thói quen sử dụng tiền điện tử trên địa bàn”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết./.

 

Theo Minh Khánh/VOV

.