Điện Biên

Khó khăn "Chồng " Khó khăn khi người nông dân vay vốn đầu tư vào chăn nuôi

Thứ Năm, 24/10/2019, 16:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Điện Biên là địa phương có quy mô chăn nuôi tương đối lớn so với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, song cũng là huyện chịu nhiều tổn thất sau dịch Tả lợn Châu Phi. Để giúp các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn, cùng với các cấp, các ngành, các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp người chăn nuôi lợn sớm ổn định chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên do không đủ điều kiện để được hưởng hỗ trợ, nhiều hộ dân vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoàn trả vốn vay khi đầu tư vào chăn nuôi.

1
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Điện Biên gặp khó khăn khi vay vốn sử dụng không đúng mục đích đầu tư vào chăn nuôi lợn nên không được hưởng hỗ trợ của Ngân hàng khi khi dịch tả lợn Châu phi bùng phát.

Gia đình ông Phạm Văn Toàn ở đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên thu nhập chính từ việc chăn nuôi lợn. Khi mở rộng quy mô chăn nuôi đàn lợn, gia đình ông vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 100 triệu đồng để vừa sửa sang nhà cửa nhưng thực chất là để chăn nuôi lợn.

Không may, đàn lợn 40 con, trọng lượng khoảng trên 3 tấn gần đến ngày xuất chuồng đã mắc dịch tả lợn Châu Phi, buộc phải đem đi tiêu hủy. Toàn bộ tài sản của gia đình gần như mất trắng, số tiền vay ngân hàng khó có khả năng hoàn trả đúng hạn.

Ông Phạm Văn Toàn, Đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên cho biết: “Trong thời gian chúng tôi sản xuất chăn nuôi thì cũng có vay vốn của ngân hàng, để đầu tư sản xuất tăng gia cải thiện đời sống gia đình. Nhưng không may có đợt dịch tả Châu Phi đến thì gia đình tôi và nhiều hộ dân cũng bị ảnh hưởng. Trong công việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn khi lãi suất, tiền vốn tiền gốc  ngân hàng đang bị đọng lại.”

Cũng là hộ chăn nuôi lâu năm trên địa bàn xã, Gia đình ông Đào Đình Qúy ở đội 4, xã Thanh Yên vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển với mục đích kinh doanh để có thể duy trì và phát triển quy mô đàn lợn. Vào tháng 6 vừa qua khi dịch tả lợn châu phi bùng phát, hơn 5 tấn lợn của gia đình mắc bệnh cũng buộc phải đem đi tiêu hủy. Toàn bộ số tiền vay ngân hàng để đầu tư vào đàn lợn không được hưởng hỗ trợ.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ các hộ vay vốn chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả Châu Phi, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Điện Biên đã đề ra giải pháp như: Hộ vay thiệt hại dưới 40% sẽ cho gia hạn nợ bằng ½ thời gian cho vay, thiệt hại từ 40-100% sẽ khoanh nợ với thời gian tối đa là 5 năm, trong thời gian khoanh nợ khách hàng không phải nộp lãi; cùng với đó xem xét điều kiện tiếp tục cho vay để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên khi tiến hành rà soát trên địa bàn huyện, nhiều đối tượng vay vốn sử dụng không đúng mục đích đầu tư vào chăn nuôi lợn nên không được hưởng các hỗ trợ trên.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát, tham mưu cho UBND xã có công văn chỉ đạo xuống xã rà soát các đối tượng vay vốn tại ngân hàng CSXH, kết quả rà soát thì toàn bộ khách hàng vay vốn không có ai vay để chăn nuôi lợn, nên việc hỗ trợ của NHCSXH đối với đối tượng này là không thực hiện được.”

Nguyên nhân của thực trạng này là do điều kiện thời hạn và mức vay vốn cho mục đích chăn nuôi lợn thấp hơn nhiều mục đích vay vốn khác nên nhiều người dân đã lựa chọn kê khai các mục đích vay khác nhau như: vay để sửa nhà, kinh doanh…vv.. Chính vì vậy khi xảy ra dịch, tiến hành rà soát rất nhiều hộ vay vốn ngân hàng dù bị thiệt hại lớn nhưng không nằm trong diện được ngân hàng hỗ trợ. Đây là một trong những khó khăn của người dân bị ảnh hưởng do dịch, điều này đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, tiền nợ ngân hàng khó có khả năng hoàn trả, việc khôi phục sản xuất càng gặp rất nhiều khó khăn./.
 

 

Minh Trang – Quang Hùng/DIENBIENTV.VN

.