Cảnh giác với ung thư dạ dày khi bị tiêu chảy và táo bón kéo dài

Thứ Năm, 30/08/2018, 07:36 [GMT+7]

Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy và táo bón rất phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó bệnh ung thư dạ dày.


Tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài có thể do ung thư dạ dày

Tiêu chảy và táo bón là hai triệu chứng rối loạn tiêu hóa trái ngược nhau rất phổ biến. Tiêu chảy biểu hiện qua số lần đi đại tiện nhiều hơn, phân lỏng, khối lượng phân nhiều hơn trong khi đó táo bón lại là tình trạng đi ngoài phân khô, cứng, số lần đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần…
 
Tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe, không loại trừ ung thư

Tiêu chảy và táo bón sẽ không đáng ngại nếu do rối loạn tiêu hóa nhẹ nhưng bạn hãy cảnh giác vì tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài cũng có thể do ung thư dạ dày.

Ở bệnh nhân ung thư dạ dày, biểu hiện tiêu chảy thường xuất hiện đột ngột, không rõ nguyên nhân, đi kèm với hiện tượng đi ngoài phân đen. Táo bón thường gặp trong giai đoạn cuối của ung thư dạ dày do bệnh nhân ít hoạt động, ít uống nước, sự suy yếu các cơ bụng và sàn chậu ở bệnh nhân ung thư dạ dày làm giảm bài tiết qua trực tràng.

Hãy cảnh giác nếu tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài kèm theo các biểu hiện ung thư dạ dày khác như:

- Đau bụng với biểu hiện tăng dần, đau thường tập trung vùng trên rốn, đau không theo chu kì, xuất hiện bất chợt.

- Đầy bụng.

- Chán ăn.

- Nôn ói.

- Khó nuốt.

- Đi ngoài phân đen.

- Sút cân nhanh không rõ nguyên nhân…

Những ai dễ mắc ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa rất phổ biến, đứng hàng đầu ở nam giới và đứng thứ hai ở nữ giới. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau nhưng phổ biến hơn cả ở người trên 40 tuổi. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Một số đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường là:

- Nhiễm vi khuẩn HP.

- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: chế độ ăn mặn, nhiều muối, thực phẩm hun khói, thức ăn có chứa nitrosamines…

- Mắc một số bệnh lý dạ dày mạn tính như viêm teo dạ dày, dị sản ruột, u tuyến dạ dày…

- Bệnh nhân cắt bỏ một đoạn dạ dày để điều trị viêm loét dạ dày cũng có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2- 4 lần so với người bình thường.

- Hút thuốc lá.

- Thừa cân, béo phì.

- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày…

Chẩn đoán ung thư dạ dày như thế nào?

Theo các bác sĩ Ung bướu - Bệnh viện Thu Cúc, khi có bất thường nghi ngờ ung thư dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các xét nghiệm chẩn đoán như:

- Xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng thiếu máu, tìm chất chỉ điểm ung thư…

- X-Quang dạ dày với Barium: phát hiện những bất thường ở dạ dày nhưng lại không thể phân biệt ung thư dạ dày dạng loét với loét dạ dày lành tính. Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhưng không có yếu tố nguy cơ.

- Nội soi dạ dày với ống soi mềm cho giá trị chẩn đoán cao lên tới 95%. Nếu sinh thiết trên cùng một vị trí và sinh thiết nhiều lần trên cùng một vị trí, độ chính xác có thể lên tới 98%.

- Siêu âm qua nội soi: đánh giá mức độ xâm lấn khối u trên thành dạ dày và di căn hạch lân cận. Tuy nhiên, siêu âm không đánh giá được di căn hạch lân cận hay di căn xa.

- CT, MRI: đánh giá chính xác giai đoạn tiến triển ung thư…

Thực tế tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài ngay cả khi không phải do ung thư cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường này, bạn không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

 

 

Theo VTV

.