Điện Biên: Chú trọng công tác phòng, chống HIV/AIDS

Thứ Hai, 13/08/2018, 10:21 [GMT+7]
Điện Biên TV - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Điện Biên còn đặc biệt chú trọng triển khai đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90.
 
Để chủ động phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cùng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. 
 
s
Sở Y tế tỉnh Điện Biên thường xuyên tổ chức nhiều buổi tuyên truyền với nội dung phong phú về phòng, chống HIV/AIDS đến bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế để được chăm sóc suốt đời.

s
20 học viên là các nhà báo, phóng viên báo chí được tập huấn lớp sáng tác chuyên đề "Những đóng góp của các tổ chức trong phòng chống HIV/AIDS"

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng, kéo theo sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. 

Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS, việc thực hành các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong nhóm người tiêm chích ma túy, người mua bán dâm… Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm bệnh và mạng lưới dịch cụ cung cấp phương tiện phòng chống HIV ở một số địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế….

Tính đến 30/5/2018: 92,3% xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV. Tổng số tích lũy toàn tỉnh có 7.236 ca nhiễm HIV, trong đó: số mắc mới 123 ca (giảm 38 ca so với cùng kỳ); số nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS tích lũy 5.297 ca, trong đó số mới chuyển giai đoạn AIDS 20 ca, tăng 4 ca so với cùng kỳ; tử vong do AIDS 3.611 ca, trong đó mới tử vong 34 ca, tăng 02 ca so với cùng kỳ; Số ca còn sống quản lý được 3.457 ca, đạt 95,4%. Tỷ lệ nhiễm HIV còn sống/dân số 0,6%.

 
s
Tỉnh Điện Biên mở thêm 08 cơ sở và 29 điểm cấp phát thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 2.670 bệnh nhân.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận với các dịch vụ điều trị, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, phòng chống lây nhiễm HIV, tỉnh Điện Biên mở thêm 08 cơ sở và 29 điểm cấp phát thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 2.670 bệnh nhân đạt 76,7% KH (trong đó: huyện Điện Biên 781, Tuần Giáo 409, Mường Ảng 312, Phường Noong Bua - TP. Điện Biên Phủ 618, Mường Chà 154, Tủa Chùa 137, Điện Biên Đông 189 và Trung tâm CB-GD-LĐXH: 70 bệnh nhân). 

Để thực hiện tốt mục tiêu 90 - 90 - 90, phấn đấu đến năm 2020 có 90% người nhiễm HIV được biết tình trạng HIV của bản thân; 90% số người biết tình trạng HIV được điều trị liên tục bằng thuốc ARV và 90% người điều trị ARV duy trì được lượng HIV dưới ngưỡng ức chế, nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng chống HIV/AIDS; kiến thức dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không kỳ thị với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS… được tổ chức triển khai thực hiện.

Tập trung ưu tiên cho vùng trọng điểm về HIV/AIDS, nhóm người có nguy cơ cao nghiện chất ma túy, gái mại dâm, nhóm tuổi thanh thiếu niên, phụ nữ sinh đẻ, nhóm dân tộc ít người, khu vực biên giới. Đến nay, tỉnh Điện Biên có 72,8% đối tượng có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV; 72,2% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 84,2% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Trong đó, ngành Y tế chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho mạng lưới y tế các cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị y tế, các địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Cùng với đó, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-90./.

 
 
 
Tử Long
.