Điện Biên

Gia tăng tình trạng tảo hôn tại huyện Điện Biên Đông

Thứ Năm, 23/05/2019, 16:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vẫn không giảm, thậm chí còn gia tăng. Hệ lụy của tảo hôn đã tác động trực tiếp đến sức khỏe cả mẹ và con, làm giảm chất lượng dân số.

Noong U là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao của huyện Ðiện Biên Ðông. Từ đầu đến nay, toàn xã có 16 người kết hôn thì có 8 người tảo hôn. Ðộ tuổi trung bình từ 14 - 16 tuổi, thậm chí nhiều em mới chỉ 11 - 12 tuổi đã phải làm vợ, làm mẹ.

1
Tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vẫn không giảm, thậm chí còn gia tăng

 

Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh, suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong cao… ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau về không có việc làm, không ổn định kinh tế dẫn đến những mâu thuẫn, xô xát. Nhiều gia đình biết con cái tảo hôn là trái pháp luật nhưng vẫn chấp nhận cho con lấy vợ, lấy chồng bởi nếu không những đứa trẻ chưa đủ tuổi nên vợ, nên chồng lại tìm đến lá ngón.

Ông Lầu Nhìa Dê - Bản Tìa Mùng C, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Bọn trẻ nó thích nhau thì bố mẹ cũng không can thiệp được vào. Gia đình cũng muốn là chưa cho con trai lấy vợ sớm nhưng vì nó không chịu khó học, về nhà thì nó đòi lấy vợ. Can thiệp vào nhiều thì tâm lý nó không ổn định nên phải cho lấy."

Mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tình trạng tảo hôn, tuy nhiên, tỉ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 300 người kết hôn thì có trên 100 người tảo hôn, chiếm gần 34%. Trong đó, các xã có tỷ lệ tảo hôn ở mức cao như: Phình Giàng 69%; Tìa Dình 55%, Nong U 50%, Pú Hồng gần 60%...

1
Nguyên nhân gia tăng tình trạng tảo hôn ở Điện Biên Đông một phần các địa phương chưa thực hiện nghiêm việc xử lý đối với các trường hợp tảo hôn.

 

Bên cạnh nguyên nhân do thói quen, hủ tục, trình độ dân trí chưa cao, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, hầu hết các địa phương chưa thực hiện nghiêm việc xử lý đối với các trường hợp tảo hôn.

Ông Vàng A Lồng, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ðiện Biên Ðông cho biết:" Chúng tôi thấy trong công tác tuyên truyền rất khó bởi chủ yếu là đồng bào dân tộc mông họ sống chủ yếu là đi làm nương rẫy, tuyên truyền thì tuyên truyền rồi họ cũng không chấp hành và trong vấn đề xử lý thì vẫn có trường hợp tảo hôn là con của một số đồng chí lãnh đạo xã nên việc xử lý thì khó xử lý"

Để hạn chế tình trạng tảo hôn, một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hệ lụy của việc tảo hôn tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần tập trung rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cặp tảo hôn, để từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên địa bàn./.

 

 

Thu Nga - Duy Hải/DIENBIENTV.VN

.