Dịch vụ đổi tiền lẻ "chui" lại hét giá ngày Tết

Thứ Hai, 28/01/2019, 08:52 [GMT+7]

Hiện nay, dịch vụ đổi tiền lẻ "chui" trên mạng xã hội lại trở nên rất nhộn nhịp, nhiều người sẵn sàng chịu một mức giá "cắt cổ" để đổi được một cọc tiền lẻ dùng dịp Tết.
 

Cứ vào giáp Tết, nhiều người lại nháo nhào tìm cách đổi tiền lẻ, tiền mới mệnh giá thấp để dùng cho việc đi lễ chùa, mừng tuổi... Nhưng những năm gần đây, tiền lẻ mới khan hiếm, đặc biệt là những loại tiền mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng 10.000 đồng đều rất khó để đổi được, thậm chí là không thể đổi nếu vào ngân hàng giao dịch.

Chị Lê - nhân viên văn phòng tại Hà Nội đã đi đến các chi nhánh ngân hàng trong thành phố gần một tuần nay để đổi tiền lẻ nhưng đều bị từ chối giao dịch. Chị cho biết vào mỗi dịp Tết, chị thường đi lễ chùa, về quê mừng tuổi cho các cháu nên rất cần tiền lẻ, tiền mới. "Thời diểm cận tết đến ngân hàng để đổi tiền lẻ thường rất khó, ngay cả tiền có mệnh giá 50.000 đồng cũng không phải lúc nào cũng đổi được. Nhiều nhân viên giao dịch nói rằng việc đổi tiền lẻ chỉ dành cho các khách hàng VIP hoặc khách hàng thân quen thôi nên đối với những giao dịch bình thường thì rất khó đổi" - chị Lê cũng cho hay, nếu không thể đổi được tại ngân hàng, khả năng cao là chị sẽ đến các địa điểm "chợ đen" như chùa Hà, phủ Tây Hồ... để đổi tiền lẻ.

Đến ngân hàng không thể đổi, nhiều người quyết định tìm đến thị trường tiền lẻ được bán công khai trên các trang web, fanpage mạng xã hội. Tuy nhiên, hình thức đổi tiền lẻ này ăn chênh lệch rất cao, thời gian đổi càng sát Tết thì chênh lệch càng lớn, có thể lên đến 90% đối với mệnh giá tiền 500 đồng, 10 - 20% đối với mệnh giá 5.000 đồng.
 

1
Nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân vào dịp Tết tăng cao nên nhiều người tìm mọi cách để đổi tiền lẻ, kể cả chịu phí chênh lệch cao


Anh Hoàng Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) có nhu cầu muốn đối 5 triệu tiền mệnh giá dưới 50.000 đồng để mừng tuổi cho cháu ở quê và đi công đức tại các đền chùa nhưng không thể giao dịch được tại ngân hàng nên quyết định đổi tiền qua một fanpage trên facebook. Anh cho biết, để đổi được số tiền là 5 triệu đồng thành tiền lẻ, anh đã phải bỏ ra thêm hơn 1 triệu đồng tiền phí.

"Tôi đổi khá nhiều loại tiền 5.000 đồng và 2.000 đồng, trong đó loại tiền 2.000 đồng có giá đổi là 2.300.000 đồng/cọc, mỗi cọc 1000 tờ. Tiền đổi chênh lệch cao nên sẽ liền số seri, là tiền mới. Cũng có một số nơi đổi tiền có giá chênh lệch rẻ hơn, cũng mới nhưng lại không liền seri nên tôi không thích lắm" - anh Hoàng Linh cho biết.

Người này cũng cho hay, việc đổi tiền qua mạng xã hội cũng rất nhanh chóng và nhẹ nhàng, chỉ cần nhắn tin thông báo số lượng và loại tiền là bên đầu mối sẽ chuyển tiền đến tận nơi. Để hút khách hơn, các điểm đổi tiền đôi khi còn khuyến mại, tặng kèm thêm các bao lì xì Tết cho khách.
 

1
Những bài post đổi tiền lẻ như thế này được đăng rất nhiều trên mạng xã hội


Trên thực tế, dịch vụ đổi tiền lẻ qua mạng xã hội có nguy cơ lừa đảo rất cao khi những cơ sở cung cấp dịch vụ này đều không có địa chỉ rõ ràng và chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Hầu hết các chủ fanpage đổi tiền lẻ đều sẽ yêu cầu khách hàng chuyên khoản, giao dịch qua thẻ điện thoại trước rồi mới giao hàng, không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì bị kẻ lừa đảo chặn liên lạc.

Trước tình trạng này, luật sư Nguyễn Ngọc Liên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Ngày 17/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12/2014 quy định về việc xử phạt đối với các hoạt động đổi tiền lẻ. Theo đó Khoản 5 Điều 30 NĐ 96/2014 quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a)Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng".

Luật sư cũng nhận định, để hạn chế được tình trạng nhiều người lợi dụng nhu cần đổi tiền lẻ trong xã hội thì nhận thức của người dân cần thay đổi. Thay vì đi lễ chùa dùng 10 tờ 1.000 đồng hay 2.000 đồng làm công đức thì có thể dùng 1 tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng hay 50.000 đồng để làm công đức".

 

 

Theo VTV

.