Đàn Châu chấu tre ở Nậm Pồ vẫn đang được kiểm soát

Thứ Bảy, 22/09/2018, 14:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian gần đây, người dân một số xã huyện Nậm Pồ gồm: Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang và Phìn Hồ rất hoang mang trước sự xuất hiện của đàn châu chấu tre lớn di thực vào địa bàn. Trước nhữngnhững lo lắng của người dân, Chi cục BVTV tỉnh đã nhanh chóng tiến hành tổ chức điều tra mức độ gây hại của loại côn trùng này.

Theo phản ánh của người dân địa phương, năm nay đàn châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại khu vực 3 Chà khoảng từ đầu tháng 9. Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với kết quả cuộc làm việc nhanh giữa Chi cục BVTV tỉnh tại UBND xã Chà Nưa với đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm BVTV huyện Nậm Pồ và chính quyền địa phương.

Đây là đàn châu chấu tre lưng vàng di thực từ Lào sang. Hiện đàn châu chấu này vẫn trú ngụ tại các cánh rừng để tìm địa điểm dừng chân, ghép đôi sinh sản. Cụ thể, từ thời điểm được phát hiện, cứ vào khoảng từ 16h hàng ngày, đàn châu chấu bắt đầu di chuyển. Điều khiến cho người dân cũng như chính quyền địa phương không khỏi hoang mang là đàn châu chấu có số lượng vô cùng lớn. Khi bay tạo thành đám mây đen có kích thước khoảng 1 km chiều rộng và 4 km chiều dài, làm tắt nắng cả một vùng. Tuy nhiên, đến khoảng hơn 17h chiều thì đàn châu chấu bay hết vào rừng.

1
Đàn châu chấu tre bắt đầu xuất hiện tại khu vực 3 Chà khoảng từ đầu tháng 9.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, châu chấu tre chưa gây nguy hiểm, chưa có những tác động xấu đối với sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân. Sự xuất hiện của châu chấu tre đã được nhận định từ trước. Và mọi diễn biến phát sinh đều trong tầm kiểm soát chặt chẽ.
 
Nguồn thức ăn chính của loại châu chấu này chủ yếu là lá tre, lá nứa nên được gọi với tên chung là châu chấu tre. Tuy nhiên, chúng cũng có thể ăn các loại thức ăn là khác là mía, ngô, lúa, lá chuối và cỏ voi. Song châu chấu tre chỉ đe dọa đến sản xuất nông nghiệp trong trường hợp nguồn thức ăn chính bị cạn kiệt, hoặc trên đường di chuyển gặp trời tối nhưng chưa đến khu vực có thức ăn. Thường thì đến khi nguồn thức ăn cạn, chúng lại di thực đi nơi khác có nguồn thức ăn mới, dồi dào hơn.

Từ tháng 6 - 9 là thời gian châu chấu ở giai đoạn trưởng thành, hoạt động mạnh nhất. Thời điểm hiện tại, dù di thực vào địa bàn đã khá lâu nhưng đàn châu chấu chưa gây ảnh hưởng gì đáng kể đến sản xuất nông nghiệp tại khu vực 3 Chà. Để làm rõ hơn thông tin, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với bà Triệu Thị Lê, Phó Chi cục trưởng – Chi cục BVTV tỉnh. Bà Lê cho biết: Châu chấu tre đã từng xuất hiện ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Nhưng với đặc tính chỉ ăn chủ yếu lá tre, lá nứa nên nguy cơ đe dọa đến an toàn sản xuất nông nghiệp ở thời điểm hiện tại là không nhiều. Cụ thể, tại huyện Điện Biên, dù đã nhiều lần châu chấu tre xuất hiện những đàn lớn nhưng chưa hề ghi nhận có thiệt hại lớn về hoa màu.
 
Người dân địa phương cũng cho biết: Châu chấu tre thì năm nào cũng xuất hiện chỉ khác là số lượng lớn hay nhỏ. Nhiều năm trước, thỉnh thoảng cũng có người gặp những đàn châu chấu tre như vậy. Khi bay tạo ra tiếng động rào rào như là tiếng mưa. Châu chấu chỉ ăn lá cây rừng. Từ trước tới nay, chưa thấy có có ai nói bị loài châu chấu này phá hoại mùa màng.
 
Tại cánh đồng lúa vụ mùa 2018 của bà con nông dân bản Nà Ín, xã Chà Nưa – khu vực được ghi nhận đàn châu chấu thường xuyên trú ngụ. Tuy vậy, gần như không có dấu vết nào cho thấy đàn châu chấu đã từng hiện diện. Người dân ở đây cho biết: Châu chấu chỉ ăn một ít lá trên ngọn tre, một số thì có xuất hiện trên lá cây cỏ voi, còn diện tích trồng ngô, lúa thì gần như không bị ảnh hưởng gì. Mặc dù vậy, bằng mắt thường khó có thể phát hiện những ngọn tre có bị châu chấu ăn hay không, chứng tỏ nguồn thức ăn ưa thích của châu châu vẫn còn rất dồi dào. Vì thế, nguy cơ châu chấu phá hại mùa màng trong thời gian tới là khó có thể xảy ra.

Có thể khẳng định, sự xuất hiện của đàn châu chấu ở khu vực huyện Nậm Pồ vẫn đang hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Đây không phải lần đầu tiên chúng xuất hiện. Loài châu chấu này di chuyển từ  biên giới Lào về. Những năm trước đã từng xuất hiện ở các khu vực gần biên giới Việt Lào như xã Mường Lói, Pu Luông, Pa Thơm.v.v... thuộc huyện Điện Biên và một số xã của huyện Mường Chà, Mường Nhé. Do châu chấu chỉ ăn những lá cây như tre, nứa và một vài loại cây rừng, chưa có dấu hiệu phá hoại hoa màu, cây lương thực. Người dân không nên quá lo lắng và không nghe những thông tin thổi phồng sự thật, gây hoang mang dư luận.
 
Mặc dù vậy, với số lượng khá lớn và đặc tính sinh sôi mạnh, châu chấu tre lưng vàng sẽ là mối nguy hại với người nông dân nếu chúng tiếp tục nhân đàn trong những năm tới. Vì vậy, để chúng không bùng phát gây hại, khi xuất hiện đàn châu chấu mới di thực vào địa bàn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nậm Pồ đã kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các xã theo dõi kỹ nơi định cư, đẻ trứng để tổ chức các biện pháp phòng trừ kịp thời; nắm bắt chắc chắn diễn biến phát sinh, báo cáo thường xuyên với huyện và Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.

Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn về phòng trừ châu chấu cho người dân. Đươc biết, tại xã Chà Nưa, ngay khi có thông tin về việc châu chấu tre xuất hiện trên địa bàn, Trạm BVTV đã lập tức xuống kiểm tra và mở lớp tập huấn để người dân hiểu về đặc điểm, tập tính sinh sống, quy luật phát triển của châu chấu và cách ngăn chặn. Hiện tại, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện đang phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn các nội dung trên cho tất cả các xã trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
 
Để tiêu diệt loại châu chấu tre hiệu quả nhất, người dân cần theo dõi kỹ, phát hiện nơi chúng đẻ trứng là trong đất hoặc dưới lớp lá mùn, đợi trứng nở thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun tập trung tại các ổ châu chấu con. Bởi khi châu chấu đã trưởng thành thì rất khó tiêu diệt do chúng thường đậu trên những cành cây cao và di chuyển rất nhanh khi bị khua động. Cùng với nỗ lực của cơ quan chuyên môn thì chính quyền địa phương và người dân cũng cần tích cực tham gia phòng, chống châu chấu tre. Không nên hoang mang song cũng không được chủ quan, xem nhẹ để có thể chủ động, tăng cường phát hiện, diệt; ngăn chặn hiệu quả đàn châu chấu tre, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa 2018 và cả những năm tiếp theo./.
 

 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.