Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ - Nơi nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

Thứ Bảy, 11/08/2018, 17:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Gần 10 năm đưa vào hoạt động, Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ luôn khẳng định là địa chỉ vàng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh.

Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ được xây dựng và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận ký ngày 13/8/2007 giữa đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên với Làng trẻ em SOS Quốc tế và Làng trẻ em SOS Việt Nam. Làng trẻ được xây dựng với quy mô 14 ngôi nhà gia đình có công suất nuôi dưỡng thường xuyên từ 120-140 trẻ. Đến năm 2009, Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đã được khánh thành và đưa vào hoạt động.

Làng có tổng số 42 cán bộ, nhân viên; trong đó làm việc bên làng 33 cán bộ, làm việc bên trường mẫu giáo 9 cán bộ. Trong 33 cán bộ làm việc bên Làng có 19 mẹ, dì trực tiếp nuôi dạy trẻ, 14 cán bộ làm việc văn phòng và các công việc khác hỗ trợ các mẹ, dì chăm sóc giáo dục trẻ.

Để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đạt hiệu quả, 100% cán bộ, nhân viên của Làng khi được tuyển dụng vào làm việc đều được tham gia học tập các lớp tập huấn về công tác chuyên môn, Luật trẻ em, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em... Đặc biệt các mẹ, dì hàng năm được trung tâm đào tạo của Văn phòng SOS Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo quy định. Làng đã thành lập Ban bảo vệ trẻ em để thực thi Công ước Quốc tế về trẻ em, Luật trẻ em và các cam kết của tổ chức SOS. 100% cán bộ nhân viên của Làng đều phải xây dựng kế hoạch làm việc, ký cam kết về Quy tắc ứng xử.

d
Giờ tự học của các cháu Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ

 

Từ khi bước vào hoạt động đến nay, Làng đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ và tổ chức 5 lần đón trẻ, với tổng số trẻ đã được đón và hiện đang được chăm sóc là 161 trẻ. Trong đó, có 91 trẻ nam và 70 trẻ nữ. Các trẻ này được đón từ 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Các trẻ khi được đón về Làng được nuôi dưỡng trong các gia đình, mỗi gia đình có từ 8 - 10 trẻ, ở đó có 1 người mẹ là những người phụ nữ độc thân, nguyện không xây dựng gia đình, đem hết tình yêu thương của mình chăm sóc cho trẻ, coi trẻ như con đẻ của mình. Các trẻ sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, có khả năng tự lập cuộc sống, có trách nhiệm và biết đóng góp cho xã hội.

Nói về những năm đầu thành lập, ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ cho biết: Làng gặp rất nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thêm vào đó, trẻ đón vào Làng chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, thể chất yếu, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống giữa các trẻ với nhau, giữa các bà mẹ với các con. Song với sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên, đặc biệt là tình thương yêu của các bà mẹ dành cho các con, sự vượt khó vươn lên của chính các con trẻ; cùng với sự quan tâm của tổ chức SOS, Chính phủ Việt Nam và sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở ngành tỉnh, các tổ chức, các nhà hảo tâm, đến nay các hoạt động của Làng đã ổn định, từng bước đi vào chiều sâu. Các con được quam tâm chăm sóc, giáo dục và phát triển một cách toàn diện. Chính vì vậy, đến nay hầu hết các con đều phát triển rất tốt cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Nhờ sự quan tâm chăm sóc, động viên của các mẹ, các dì mà năm học 2017 - 2018, trong tổng số 150 trẻ đi học phổ thông thì có 85 trẻ được xếp loại học sinh khá, giỏi; 10 trẻ đạt giải trong cuộc thi Olympic cấp huyện. 1 trẻ đạt giải trong cuộc thi giải toán bằng máy tính cầm tay và nhiều trẻ đạt giải về các môn thể thao trong Hội khỏe Phù Đổng do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đội bóng của Làng tham gia giải bóng đá Futsal lần thứ 19 tại TP. Hồ Chí Minh do Báo Công an tổ chức đạt huy chương đồng.

Cần lắm sự quan tâm, chia sẻ

"Hiện nay, theo quy định của tổ chức SOS, các trẻ nam lớn đến tuổi dậy thì được tách ra ở một khu riêng gọi là khu lưu xá thanh niên. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí xây dựng lưu xá nên Làng trẻ đã phải thuê nhà ở riêng cho 32 trẻ nam lớn. Điều này đồng nghĩa với khó khăn trong công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và đi lại học tập của trẻ." - ông Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ chia sẻ thêm.

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn


 

.