Điện Biên Đông nỗ lực di dân khỏi vùng nguy hiểm

Thứ Sáu, 10/08/2018, 14:27 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phòng chống lũ bão giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ quan trọng được huyện Điện Biên Đông quan tâm thực hiện hàng năm. Tuy nhiên, với một huyện vùng cao thường xuyên xảy ra mưa lũ trên diện rộng kéo theo các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hàng năm các phương án phòng chống lũ bão được huyện xây dựng và thực hiện. Trong đó có công tác kiểm tra, rà soát, di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Điện Biên Đông là huyện vùng cao với địa bàn rộng, địa hình chia cắt, có độ dốc lớn. Vào mùa mưa lũ hằng năm thường xuyên xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân. Theo thống kê trong năm 2017, mưa lũ đã cuốn trôi, vùi lấp trên 100 ha ruộng lúa, hoa màu, 18 ha ao hồ nuôi thủy sản; 13 tuyến đường giao thông bị sạt lở, 7 công trình thủy lợi, 2 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng, thiệt hại trên 26 tỷ đồng.

1
 Năm 2017, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, mưa lũ đã gây thiệt hại trên 26 tỷ đồng.

 

Mưa lũ cũng làm sập, hư hỏng nhà ở của 42 hộ gia đình, 17 nhà khác bị ngập úng. Sau mỗi mùa mưa lũ lại có thêm những hộ nằm trong diện phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Tập quán sống ở ven sông, ven suối hoặc ở nơi đồi núi cao có độc dốc lớn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thêm vào đó, dân số tăng nhanh nhu cầu về đất ở, đất sản xuất lớn trong khi quỹ đất hạn hẹp; cộng với việc tàn phá nguồn tài nguyên rừng, các tác động khi xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, san múc mặt bằng lấy đất ở càng làm gia tăng nguy cơ phải đối mặt với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Với đặc điểm tình hình như vậy, hằng năm trước mùa mưa lũ huyện Điện Biên Đông chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã thị trấn thực rà soát, đánh giá, thẩm định các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, bị lũ quét. Từ đó, lên phương án bố trí kinh phí thực hiện di dời. Năm 2017, toàn huyện đã vận động và thực hiện di dời được 20 hộ gia đình khỏi khu vực nguy hiểm. Trong năm 2018, qua kiểm tra, rà soát đã tiến hành vận động được 89 hộ tại các xã Na Son, Keo Lôm, Phì Nhừ, Xa Dung, Mường Luân, Chiềng Sơ đồng ý chuyển đến nơi ở mới. Hiện nay, huyện đang tập trung xây dựng phương án cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các hộ trên sớm di chuyển đến nơi ở mới.

Như nhiều huyện miền núi khác, Điện Biên Đông cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đó là việc thiếu kinh phí hoặc kinh phí bố trí không kịp thời; tiếp nữa là thiếu mặt bằng tái định cư, một số điểm tái định cư thiếu đất sản xuất, các điều kiện về nước sinh hoạt, đường giao thông khó khăn; ngoài ra khó khăn còn đến từ phía người dân dù biết là nguy hiểm nhưng không muốn dời khỏi nơi ở, nơi sản xuất quen thuộc.

Chính vì vậy, để thực hiện thành công việc di dời các hộ dân ngoài việc bố trí kinh phí, lựa chọn mặt bằng để di chuyển đến công tác tuyên truyền, thuyết phục của cấp chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng. Xã Luân Giói, trước đây có nhiều hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm. Ngay trong năm 2017, xã vẫn còn hơn 10 hộ gia đình trong diện cần phải di dời do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất cao.

Sau khi huyện thẩm định, phê duyệt kinh phí, UBND xã đã cử cán bộ trực tiếp xuống tuyên truyền, giải thích để các hộ này hiểu và nhất trí với chủ trương di dời. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể, thôn bản nơi có hộ phải di dời tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để các hộ này di chuyển đến nơi ở mới an toàn theo đúng kế hoạch. Đến nay, qua rà soát xã Luân Giói không còn hộ nào nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm 
 

1
Đến nay, qua rà soát xã Luân Giói không còn hộ nào nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm


Không thuận lợi như các hộ gia đình tại xã Luân Giói, 16 gia đình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao của bản Cồ Dề A, xã Phì Nhừ dù rất mong muốn nhưng nhiều năm nay chưa thể di dời đi nơi khác. Ông Hạng A Di, chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: Qua kiểm tra, rà soát xã phát hiện nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực bản Cồ Dề A từ lâu và cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Điện Biên Đông đề nghị có phương án hỗ trợ di dời.

Tuy nhiên, do quỹ đất hạn hẹp không thể bố trí mặt bằng tái định cư cộng với không có kinh phí hỗ trợ nên nhiều năm đã qua nhưng các hộ trên vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi xảy ra mưa lũ. Trong khi chờ đợi được huyện bố trí di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, chính quyền xã Phì Nhừ và các hộ dân bản Cồ Dề A chỉ có thể ứng phó bằng việc theo dõi sát sao khu vực sụt lún, sẵn sàng ứng phó khi sạt lở xảy ra. Đặc biệt khi mưa to kéo dài thực hiện việc di chuyển tạm thời người và tài sản đến các hộ khác an toàn hơn trong bản để đảm bảo tính mạng, tài sản.
 
Tương tự như các hộ dân tại bản Cồ Dề A, 14 hộ dân với 109 nhân khẩu tại bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung cũng nằm trong khu vực bị đe dọa sụt lún, sạt trượt. Để đảm bảo an toàn cho các hộ này huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành chức năng cho phép, hướng dẫn thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng thành đất ở nông thôn để có mặt bằng bố trí tái định cư.

Thực hiện chương trình di dân, sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Hàng năm, huyện Điện Biên Đông đều tổ chức khảo sát, rà soát, đánh giá, thống kê tại 14/14 xã, thị trấn.

1
Hiện nay toàn huyện Điện Biên Đông còn khoảng 15 khu vực nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tập trung tại các xã Keo Lôm, Na Son, Mường Luân, Phì Nhừ và xã Xa Dung

 

Qua kiểm tra, rà soát, hiện nay toàn huyện Điện Biên Đông còn khoảng 15 khu vực nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tập trung tại các xã Keo Lôm, Na Son, Mường Luân, Phì Nhừ, Xa Dung. Trong đó khu vực 3 bản Suối Lư 1,2,3 xã Keo Lôm có số hộ cần di dời lớn nhất với trên 70 hộ. Được biết UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư hơn 10 tỷ đồng để san ủi mặt bằng tại bãi Huổi Po để di chuyển các hộ dân nói trên về tái định cư tại đây.

Việc thực hiện dự án nói trên sẽ góp phần giúp huyện Điện Biên Đông giải quyết dứt điểm báo động đỏ về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo di dời triệt để các hộ dân thuộc 15 khu vực dân cư nằm trong vùng nguy hiểm không phải là việc huyện Điện Biên Đông có thể thực hiện được trong một hay hai năm.

Chính vì vậy, trong khi chờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh cũng như thực hiện các phương án di dân, sắp xếp ổn định dân cư tại các khi vực này. Huyện Điện Biên Đông xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai, bão lũ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm họa của thiên tai, mưa lũ. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai, bão lũ để người dân chủ động phòng, tránh.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt quan tâm đến các địa điểm xung yếu, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; có phương án di dời tạm thời nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
 
Những năm gần đây thiên tai, mưa lũ ngày càng bất thường. Quy mô tàn phá của thiên tai ngày càng mở rộng, cường độ, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Những vụ lũ ống, lũ quét san phẳng cả khu dân cư hay sạt lở đất đá vùi lấp cả một bản trong đêm đã xảy ra và để lại ám ảnh kinh hoàng. Đó là hồi chuông cảnh báo cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chính người dân sống tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.

Cùng với các phương án về phòng chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai hàng năm, việc cần kíp trước mắt chính là có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân trong vùng nguy hiểm. Tiếp đó là khắc phục mọi khó khăn di dời triệt để các hộ gia đình khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời đảm bảo ổn định nơi ở, ổn định cuộc sống cho người dân tại điểm bố trí, sắp xếp tái định cư. Có như vậy công tác phòng chống bão lũ của huyện mới đạt được mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra.

 

 

Chu Linh - Huy Long/DIENBIENTV.VN

.