Nỗi buồn sau những tháng ngày lưu lạc

Thứ Sáu, 04/05/2018, 08:28 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Những phụ nữ trở về từ bên kia biên giới (Trung Quốc), mà nguyên nhân chính là bị lừa theo lời dụ dỗ của những kẻ xấu, sau đó biết mình bị lừa, họ đã tìm cách trở về quê hương. Gặp gỡ và nghe những chia sẻ của họ, chúng tôi không khỏi xót xa cho những hoàn cảnh bế tắc, khốn khổ mà mỗi người trong số họ phải chịu đựng sau những tháng ngày lưu lạc bên đất khách quê người.

Được sự giới thiệu từ Công an huyện Nậm Pồ, chúng tôi tìm tới bản Nậm Chua 1, xã Nậm Nhừ, gặp Vàng Thị Chu, năm nay 16 tuổi. Chu được trao trả về địa phương tháng 6/2017, đến nay đã gần 1 năm, cuộc sống của Chu trở lại bình thường bằng những công việc lao động hàng ngày, nhưng tâm lý của Chu dường như vẫn chưa ổn định, vì thế Chu khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, Chu lảng tránh mãi mới dám chia sẻ.

Theo lời kể của Chu, vào năm 2015, trong một lần đi Chợ trung tâm Nà Hỳ mua sắm, Chu và các bạn cùng trang lứa đã gặp một phụ nữ lạ mặt ngoài 50 tuổi. Qua hỏi chuyện, người phụ nữ đã lân la làm quen rồi rủ Chu cùng sang Trung Quốc sẽ cho tiền. Vì nhẹ dạ cả tin, Chu đã gật đầu đi theo.

Nhưng ngay khi qua biên giới Trung Quốc, Chu đã bị người phụ nữ bán cho vài người đàn ông lạ mặt, rồi họ đưa Chu đến làm thuê cho một gia đình người Trung Quốc. Từ đó, cuộc sống của Chu bước vào những ngày tháng lao động khổ cực. Chu phải thức khuya, dậy sớm làm vườn và việc nhà; thế nhưng thường xuyên bị ngược đãi, mắng chửi, thậm chí còn bị đánh đập.

1
Trở về quê hương đã hơn 1 năm nhưng Vàng Thị Chu, bản Nậm Chua 1, xã Nậm Nhừ vẫn còn sợ sệt, nhút nhát và e dè khi nói về cuộc sống bên kia biên giới.

 

“Vì em còn ít tuổi nên không bị bắt làm vợ, nhưng phải làm người ở, lao động cực khổ lắm. Có ngày em làm việc từ sáng sớm tới tối mịt chẳng được ăn gì, nhưng họ vẫn mắng và đánh em. Em hối hận lắm, chỉ vì tin lời người xấu mà em bỏ nhà đi. Mong rằng, các bạn gái trẻ đừng suy nghĩ nông cạn như em” - Chu vừa khóc vừa chia sẻ.

Được biết, đầu năm 2017, lực lượng Công an và Biên phòng Trung Quốc đã phát hiện ra Chu và trao trả về địa phương. Tuy nhiên, ở xã Nậm Nhừ, có nhiều phụ nữ không được may mắn như Chu, họ “một đi không trở lại”, để lại cho người thân và gia đình sự bàng hoàng, thương xót; để lại những đứa con thơ đói khóc, nheo nhóc, suốt ngày gọi mẹ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng Nhè Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ, cho biết: Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã Nậm Nhừ có khá nhiều trường hợp phụ nữ “vắng mặt” không rõ lý do, nghi là xuất cảnh trái phép hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc.

Riêng năm 2017, có 10 trường hợp, trong đó có 5 người gồm mẹ và các chị gái, chị họ của Chu đều vắng mặt tại địa phương, đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Nguyên nhân là do chị em phụ nữ trên địa bàn có trình độ hiểu biết còn hạn chề và hoàn cảnh khó khăn, nên một số đối tượng từ nơi khác đến dụ dỗ, hứa hẹn đi theo họ sẽ có công ăn việc làm ổn định, kiếm được nhiều tiền, rồi lừa bán sang Trung Quốc. Mặc dù chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng người dân, đặc biệt là phụ nữ vẫn chưa tỉnh ngộ”.

Tại xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, trong vài năm trở lại đây có khá nhiều phụ nữ vắng mặt ở địa bàn không lý do. Mãi đến khi có những trường hợp được Công an trao trả về, thì gia đình mới biết họ đều bị lừa bán sang Trung Quốc.

Ông Giàng A Cáng, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Đán, cho biết: “Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, xã có 2 trường hợp phụ nữ vắng mặt được gia đình báo với chính quyền xã. Tuy nhiên, con số thực tế có thể nhiều hơn thế. Bởi qua xác minh, chính quyền xã đã phát hiện một số trường hợp phụ nữ mất tích nhưng gia đình không báo. Rồi cũng có trường hợp đã từng bị lừa bán đi Trung Quốc sau đó được trao trả về, một thời gian sau lại tiếp tục bị lừa bán. Như trường hợp của Giàng Thị Trang, 17 tuổi, bị lừa bán sang Trung Quốc năm 2016, mới trở về bản Huổi Khương, xã Vàng Đán cuối năm 2017, thì đến nay gia đình lại báo Trang đã mất tích không rõ lý do”.

Qua sự chỉ dẫn của chính quyền xã Vàng Đán, chúng tôi đến bản Huổi Khương để gặp Mùa Thị Sung, 18 tuổi, trở về từ bên kia biên giới Trung Quốc được hơn một năm. Thấy chúng tôi đến nhà, Sung có vẻ lo lắng, sợ sệt. Nói chuyện với chúng tôi, anh Mùa A Vảng, bố của Sung chia sẻ: “Cách đây 2 năm, con tôi bỗng nhiên mất tích, cả nhà không biết nó đi đâu. Mãi đến đầu năm 2017, nó được Công an huyện Nậm Pồ trao trả về, chúng tôi mới biết con bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi trở về, con tôi mang bầu ở tháng cuối, nó bỗng sợ sệt, nhút nhát, thường xuyên hoảng loạn và không nói năng gì”.

Qua câu chuyện với bố của Sung, chúng tôi được biết, vì tin lời yêu đương, dụ dỗ của một thanh niên cùng xã, Sung đã theo thanh niên này lên tỉnh Lào Cai rồi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Sau đó, Sung bị bán cho người đàn ông Trung Quốc lấy về làm vợ. Không rõ cuộc sống bên kia biên giới của Sung thế nào, nhưng nhìn cơ thể gầy gò, tiều tụy, thái độ sợ hãi của Sung sau hơn một năm trở về, chúng tôi có thể hình dung được những gì mà cô gái trẻ này đã phải chịu đựng, trải qua ở nơi đất khách quê người.

Trao đổi với Trung tá Hoàng Trung Hà, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ, được biết những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Nậm Pồ có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa bàn đặc biệt khó khăn như các xã: Nà Bủng, Vàng Đán, Nậm Nhừ, Nà Khoa, Na Cô Sa... để dụ dỗ phụ nữ, trẻ em gái tuổi từ 12 - 25; sau đó chủ yếu đưa lên tỉnh Lào Cai rồi qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, đa phần là bán cho các ổ mại dâm hoặc bán làm vợ.

Từ năm 2017 đến nay, Công an huyện Nậm Pồ đã phá thành công 3 chuyên án, bắt 5 đối tượng về hành vi mua bán người và giải cứu thành công 2 nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh với tội phạm mua bán người gặp rất nhiều khó khăn, các đối tượng không chỉ dụ dỗ việc làm tốt, thu nhập cao, mà còn lợi dụng quan hệ yêu đương, đặt niềm tin để lừa nạn nhân tự nguyện đi theo mình.

Trung tá Hoàng Trung Hà, cho biết: “Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả tốt hơn, chúng tôi tiếp tục phối hợp với già làng, trưởng bản tổ chức các buổi tuyên truyền tố giác tội phạm, để người dân biết về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng mà tránh; tổ chức tập huấn cho đội ngũ công an xã, công an viên cách thức phòng chống, ngăn chặn tội phạm mua bán người. Về lâu dài, chúng tôi cũng tham mưu cho UBND huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống kinh tế, dân trí cho người dân, đặc biệt là những xã còn khó khăn. Chỉ có nâng cao đời sống và tiếp cận nếp sống văn minh, thì bà con mới cảnh giác, tỉnh táo trước lời dụ dỗ của kẻ xấu…”.

 

 

CTV - Phương Liên

.