Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy ở Mường Nhé

Thứ Sáu, 26/01/2018, 14:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Mường Nhé, trên địa bàn huyện hiện có gần 750 đối tượng mắc nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chưa kể hàng trăm đối tượng nghi nghiện chưa có hồ sơ. Những năm qua, mặc dù huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều biện pháp giúp người nghiện từ bỏ ma túy, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, nhưng do nhiều nguyên nhân, công tác cai nghiện ma túy vẫn chưa mang lại hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mường Nhé cho biết: Là huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn song Mường Nhé lại có tỷ lệ người mắc nghiện ma túy tương đối cao.

Do đó, hàng năm cùng với việc chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trên địa bàn, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy cho người dân.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức cho các đối tượng cai nghiện ma túy theo các hình thức: Cai nghiện ma túy tập trung, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Nhưng trong quá trình triển khai công tác cai nghiện thời gian qua gặp không ít khó khăn nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

1
Công an xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) vận động người bản Trạm Púng chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không buôn bán, sử dựng trái phép các chất ma túy

 

Trong hình thức cai nghiện tập trung, công tác lập hồ sơ để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn khá nhiều vướng mắc, trình tự thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian hoàn thiện gây khó khăn cho các đơn vị khiến nhiều đối tượng nghiện lợi dụng để trốn tránh cai nghiện.

Vì thế, hàng năm số đối tượng trên địa bàn huyện được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục – Chữa bệnh và LĐXH tỉnh thường không đạt chỉ tiêu được giao. Năm 2015, huyện không đưa được đối tượng nào đi cai nghiện, năm 2016 đưa được 15/20 đối tượng đi cai nghiện và năm 2017 là 11 đối tượng.

Theo hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tuy có nhiều điểm thuận lợi, giảm chi phí cho nhà nước và bản thân người nghiện song trên thực tế cũng chưa phát huy hiệu quả. Từ năm 2015 đến hết năm 2017, trên địa bàn huyện đã có hơn 340 đối tượng tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện gần như 100%.

Theo ông Cà Văn Lả, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân người nghiện chưa đủ quyết tâm, thời gian cai nghiện ngắn nên người nghiện chưa từ bỏ được ma túy. Trong quá trình cai nghiện, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm, động viên, có trường hợp còn xa lánh khiến người nghiện chán nản, quay lại con đường ma túy.

Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện tại cộng đồng ở các xã còn thiếu; công tác quản lý sau cai nghiện chưa thực sự được quan tâm; một số gia đình vẫn còn tâm lý che giấu, không phối hợp đưa người thân đi cai nghiện… cũng là nguyên nhân khiến công tác cai nghiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng đề ra.

Đặc biệt, từ tháng 4/2017, huyện triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. Nhưng đến nay chưa thu hút nhiều người nghiện tham gia, trong tổng số 50 đối tượng tham gia cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone trên địa bàn đã có 8 người từ bỏ.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác cai nghiện ma túy ở huyện Mường Nhé đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Từ năm 2012 đến nay, trên địa huyện chỉ có 14 người cai nghiện ma túy thành công, số còn lại đều tái nghiện.

Trước thực trạng trên đòi hỏi huyện Mường Nhé phải sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, có chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện để giúp họ hòa nhập với cộng đồng, tránh tái nghiện… Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

 

 

CTV - Đức Linh

.