Điện Biên: Cần kiểm soát các cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống

Thứ Bảy, 24/06/2017, 16:05 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thế nhưng hiện nay các loại rượu thủ công vẫn đang được bán tràn lan tại các cửa hàng tạp hóa, các hàng ăn, quán nhậu... và được nhiều người dân lựa chọn trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ.

Với giá thành rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/lít đối với rượu tẻ và 20.000 đồng/lít đối với rượu nếp, người tiêu dùng có thể mua rượu thủ công ở bất cứ cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ nào trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ . Không chỉ ở các cửa hàng tạp hóa, các quán cơm bình dân và nhà hàng cũng luôn có hàng chục loại rượu nấu thủ công, rượu ngâm, rượu thuốc để phục vụ thực khách.

Chị Nguyễn Phương T - Chủ một nhà hàng trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ cho biết: Nhà hàng thường xuyên đặt mua rượu của một gia đình đã nấu rượu lâu năm trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ, khách hàng  rất thích uống rượu nấu thủ công ở đây. Mỗi ngày Nhà hàng mua hơn 100 lít để phục vụ khách hàng.

 

s

Một lò nấu rượu thủ công của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên (nguồn dienbientv.vn)

 

Theo Nghị định 94 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, các làng nghề nấu rượu truyền thống phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất, phải được chính quyền cấp huyện trở lên cấp giấy phép và khi lưu hành trên thị trường phải có tem, nhãn mác.

Tại tỉnh Điện Biên, Sở Công Thương đã rà soát, trình UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết liên quan đến cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, phân rõ thẩm quyền, cấp huyện cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu và cấp xã được quyền cấp giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán lại cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Quy định rõ ràng là thế, song thực tế đến nay việc triển khai thực hiện Nghị định này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều cơ sở chưa tự giác chấp hành thực hiện việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, không đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, không dán tem mác theo quy định…

Hộ gia đình Bà Phan Thị Lan - Phường Thanh Trường (đã sản xuất rượu truyền thống 5 năm nay) cho biết: "Mỗi ngày gia đình bà chưng cất được khoảng 100 lít rượu, giao bán cho những cửa hàng, quán cơm bình dân. Đa số khách mua là chỗ quen biết, người mua uống cũng chưa thấy bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe, thậm chí nhiều người còn khen ngon… Về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay giấy phép đăng ký kinh doanh thì do chưa rõ quy định này nên gia đình tôi vẫn chưa thực hiện"

Để rượu thủ công bảo đảm an toàn đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải thực hiện đầy đủ quy trình nấu, nguyên liệu đầu vào đến các đồ dùng, chứa đựng rượu và tuân thủ các quy định của nhà nước về mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó cần có sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong quản lý mặt hàng rượu từ nơi sản xuất, nguồn nguyên liệu đến nơi tiêu thụ sản phẩm./.

 

 

Tử Long

.