Chúng tôi những phóng viên vùng cao

Thứ Ba, 20/06/2017, 17:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhắc đến nghề báo, không ít người sẽ hình dung về một lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều thú vị. Điều đó có lẽ đúng nhưng chưa đủ. Đối với phóng viên truyền hình thì công việc còn chứa đựng nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả mà chỉ có lòng yêu nghề mới giúp các phóng viên vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

c
Phóng viên Nguyễn Văn Linh (Duy Linh), Phòng Chuyên đề Văn nghệ và giải trí Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trong chuyến đi công tác tại huyện Mường Nhé

 

"Những đứa con của núi rừng" là cụm từ mà cánh phóng viên truyền hình ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Điện Biên vẫn thường nói về công việc của mình. Một mình một xe máy cùng với ba lô quần áo, máy quay, máy tính sẵn sàng lên đường để tác nghiệp. Những hình ảnh mang hơi thở cuộc sống, mang đầy đủ thông tin được truyền qua sóng truyền hình đến với đông đảo người xem luôn là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để các phóng viên nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Để có được lượng tin, bài đáp ứng được thời lượng, đội ngũ phóng viên đã không ngại lăn lộn, dấn thân. Bàn chân của phóng viên in dấu khắp các bản vùng cao, đèo núi và sông suối ở vùng sâu, vùng xa để đưa về những thông tin, những hình ảnh trân thực nhất của cuộc sống.

Phóng viên Bùi Hồ Quang, Phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chia sẻ: "Bản thân chúng tôi là những người làm báo hình ở một tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, anh em thường hay tác nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, thậm chí là khu vực nguy hiểm đặc biệt như là trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề chúng tôi luôn luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, để đưa những hình ảnh chân thực, những thông tin thật gần gũi đến với bà còn nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là những khán giả thường xuyên theo dõi chương trình thời sự của Đài PT - TH tỉnh Điện Biên."

Phóng viên Lò Văn Tuân, Phòng Dân tộc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết: "Công việc của tôi là một phóng viên ở Phòng Dân tộc. Chúng tôi thường xuyên công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua chương trình tiếng Thái, tiếng Mông là kênh thông tin để đưa tâm tư nguyện vọng của người dân đến với các cấp, các ngành. Chúng tôi luôn chú trọng tới chất lượng của chương trình để gửi cộng tác với VTV5 (Đài Truyền hình Việt Nam), qua đó nhằm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phục vụ cho các thứ tiếng dân tộc."

Với đặc thù làm phóng viên truyền hình ở miền núi, những chuyến công tác dài ngày tại vùng sâu, vùng xa, biên giới đã trở thành một phần trong công việc của các phóng viên và những chuyến công tác thường kéo dài cả tuần để có được những thước phim hay, những hình ảnh đẹp cho bài viết và phóng sự của mình, phóng viên phải nỗ lực rất nhiều. Trước những chuyến đi tác nghiệp, các phóng viên thường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ vài ngày trước. Nhiều chuyến đi, phóng viên vừa là người viết bài, vừa quay phim. Họ phải tự trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu của báo chí hiện đại. Và cũng không thể kể hết những khó khăn, trở ngại của phóng viên: trèo đèo lội suối, lăn lộn với cơ sở đã trở nên quá  quen thuộc đối với họ.

h
Phóng viên Mùa Anh Thu cùng ngành chức năng đi bộ hơn 10 giờ đồng hồ để chuyển tải thông tin phá nhổ cây thuốc phiện tại xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo.

 

Phóng viên Nguyễn Văn Linh, Phòng Chuyên đề Văn nghệ và giải trí Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tâm sự: "Với phóng viên chúng tôi có rất nhiều vất vả, khó khăn, đặc biệt là trong những lúc đi cơ sở, có những lúc mà chúng tôi phải đi bộ khoảng 5 - 6 giờ, đến nơi rồi nhưng không thể làm gì vì không gặp được chủ nhà hay không đủ điều kiện tác nghiệp, nhiều lúc cũng thấy nản. Tuy nhiên, vì lòng yêu nghề, muốn mang thông tin đa dạng nhất cho người dân nên những người phóng viên phải vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà cơ quan giao cho mỗi người phóng viên."

Có những chuyến đi, phóng viên phải bỏ xe ngoài đường lớn, đi bộ băng rừng, lội suối cả ngày mới đến được địa điểm cần đến, để ghi  hình, nhất là những vụ phá rừng hay cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Có những đợt rét đậm, nhiệt độ xuống dưới không độ, để phản ánh những thiệt hại do băng tuyết và rét đậm gây ra, các phóng viên đã không quản ngại đến tận thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa để đưa tin; hay những ngày mưa lũ phóng viên truyền hình đã bất chấp nguy hiểm, dầm mình trong mưa lũ, vượt qua những đoạn đường, con suối nguy hiểm để ghi lại những hình ảnh trân thực nhất. Và để bảo đảm cao nhất tính thời sự, sau mỗi sự kiện, trong lúc mọi người đã nghỉ ngơi thì phóng viên phải bắt tay ngay vào viết, dựng hình, truyền tin bài về cơ quan để bộ phận biên tập chỉnh sửa kịp thời phát sóng.

Phóng viên Mùa Anh Thu, Phòng Thời sự Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết: "Bản thân tôi cũng như anh em ở Phòng Thời sự luôn khắc phục khó khăn, chủ động tác nghiệp tại cơ sở và kịp thời chuyển tải những thông tin, những sự kiện ngay tại cơ sở về cơ quan; đặc biệt là có thể dựng tin bài ở bất cứ nơi đâu, đảm bảo được sự chính xác, tính nóng hổi, tính thời sự để chuyển tới khán giả theo dõi kịp thời."

Nghề báo vốn đã vất vả, nhưng với phóng viên truyền hình mỗi lần tác nghiệp vùng cao lại càng vất vả hơn. Dù vậy, nhận thức được tầm quan trọng của những người làm công tác thông tin tuyên truyền cùng với lòng yêu nghề, những phóng viên của Đài PT-TH tỉnh Điện Biên vẫn khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện tốt vai trò của mình tronng công tác thông tin, tuyên truyền để xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh./.

 

Tuấn Trung - Minh Hoà

 

.