Kết quả bước đầu từ Dự án nuôi bò sinh sản xoay vòng ở Na Tông

Chủ Nhật, 05/03/2017, 09:31 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau hơn một năm được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên hỗ trợ triển khai Dự án nuôi bò sinh sản xoay vòng cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Na Tông, huyện Điện Biên, đến nay dự án đang bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận, mở ra hướng sinh kế lâu dài cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.

Xã Na Tông có tổng diện tích tự nhiên trên 14.260 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.021ha. Toàn xã có 15 thôn, bản với 942 hộ/4.562 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nương và chăn nuôi. Cây trồng chính là ngô, lúa với tổng diện tích khoảng 510,8ha ngô/vụ/năm; hơn 270ha lúa/vụ/năm. Vật nuôi chủ yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương là trâu, bò với tổng đàn hiện có trên 2.400 con.

Được biết, Dự án nuôi bò sinh sản từ chương trình xóa đói giảm nghèo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn xã Mường Nhà của huyện Điện Biên, theo Quyết định số 182/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên từ năm 2013. Đến năm 2015, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ 20 con bò giống sinh sản (trị giá hơn 260.000.000 đồng), thông qua bò giống được hỗ trợ, xã Na Tông đã thành lập 20 nhóm hộ nuôi bò sinh sản xoay vòng tại 8 bản gồm: Na Ố; Na Tông 1, 2; Pa Kín 1, 2; Na Sản; Tân Quang và Na Hươm, với tổng số thành viên tham gia là 40 hộ, chủ yếu là hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau hơn 1 năm thực hiện Dự án, đàn bò đã sinh sản được 7 con bê con; trong đó, 3 con bê đực và 4 con bê cái. Đến tháng 4 năm 2017 trở đi, lần lượt 7/20 bò mẹ sẽ được xoay vòng cho các thành viên khác trong nhóm hộ được hưởng lợi ở xã Na Tông. Số bê đực còn lại, theo qui chế, sau 12 tháng sẽ được bán lấy tiền mua bò giống thay thế để chăn nuôi, phát triển thành bò sinh sản của riêng hộ gia đình.

d
Dự án nuôi bò sinh sản xoay vòng cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Na Tông đã sinh trưởng và phát triển tốt

 

Khác với Dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được triển khai tại 12 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Điện Biên, Dự án “nuôi bò sinh sản xoay vòng” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các thành viên trong nhóm hộ sẽ phải chuyển giao con giống để chăn nuôi cùng hưởng lợi xoay vòng. Hình thức chuyển giao con giống để chăn nuôi hưởng lợi xoay vòng không chỉ ở hiệu quả thiết thực do Dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì bò giống. Bò giống sau khi nuôi, đẻ lứa đầu được bê con thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi (thời gian bê con bỏ bú sữa mẹ), sau đó chuyển giao bò mẹ cho hộ nghèo thứ 2 trong cùng một nhóm hộ nuôi (mỗi nhóm 2 hộ). Sau khi chuyển giao bò mẹ cho hộ nghèo thứ 2 trong cùng một nhóm hộ nuôi, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bê con. Cứ tiếp tục xoay vòng như vậy, số lượng bò tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo trong nhóm hộ có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Nói đến Dự án chăn nuôi này, anh Tòng Văn Tỉnh, Trưởng nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản xoay vòng ở bản Na Ố, xã Na Tông cho biết: Trước đây từ Dự án “Ngân hàng bò”, tại địa phương cũng đã có nhiều hộ được nhận một con bò cái về nuôi sinh sản, sau vài năm đã gây đàn và đã vươn lên thoát nghèo. Dự án “nuôi bò sinh sản xoay vòng” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng tương tự như thế, tuy nhiên mừng nhất, phấn khởi nhất là từ việc chuyển giao bò giống xoay vòng, vì đây là cơ hội cho nhiều hộ nghèo trong nhóm hộ cùng vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Lò Văn Tiến ở bản Na Tông 1 là một trong các hộ được hưởng lợi từ Dự án. Gia đình anh Tiến thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế chỉ trông vào mấy mảnh ruộng, nương, muốn mua con trâu, con bò về nuôi để phát triển kinh tế gia đình cũng không thực hiện được, vì tiền bỏ ra để đầu tư mua con giống là quá lớn so với điều kiện kinh tế của gia đình. Năm 2015, qua bình xét, gia đình anh được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên giao 1 con bò giống trong Dự án “nuôi bò sinh sản xoay vòng” về nuôi, đồng thời được hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi và chăm sóc, niềm vui đã đến với gia đình anh Tiến khi bò đã sinh được 1 bê con, đến tháng 4 năm 2017 này, khi bê con tròn 6 tháng tuổi, gia đình anh sẽ bàn giao bò mẹ cho hộ gia đình nghèo thứ hai trong nhóm hộ chăn nuôi.

Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông cho biết: Để Dự án đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng, việc bình xét các hộ dân đã được UBND xã triển khai nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, không xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết tại cộng đồng dân cư. Sau khi nhận bò, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Hình thức “nuôi bò sinh sản xoay vòng” là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, mang đến niềm vui, niềm hy vọng cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần khẳng định sự thành công của Dự án ./.

 

Phong Lâm
                                          
 

.