Người dân khơi dậy tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La

Thứ Năm, 22/09/2016, 10:19 [GMT+7]

Việc định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang phát triển nuôi trồng thủy sản là giúp người dân tận dụng lợi thế vùng hồ thủy điện Sơn La.
 
Nhận thấy các điều kiện về đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hạn chế, những năm gần đây, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang phát triển nuôi trồng thủy sản, tận dụng lợi thế vùng hồ thủy điện Sơn La.

Huyện Mường La, tỉnh Sơn La có nhiều công trình thủy điện xây dựng trên địa bàn, trong đó lớn nhất là nhà máy thủy điện Sơn La. Từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, diện tích hồ chứa lớn trở thành thế mạnh để huyện phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, khí hậu và điều kiện tự nhiên ở đây được đánh giá rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của các loài cá như: Diêu hồng, cá Trắm, Rô phi, cùng nhiều loài cá có giá trị là cá Tầm, cá Lăng, cá Chiên, cá Ngạnh…Từ sự vận động hỗ trợ của huyện cũng như nhận thức được tiềm năng, thế mạnh này, nhiều hộ gia đình ở Mường La đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

1
Nuôi cá trong lòng hồ thủy điện Sơn La

 

Gia đình ông Chu Thành Vương ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La là một ví dụ. Năm 2014, qua nghiên cứu trên các phương tiện báo chí và học tập kinh nghiệm thực tế, gia đình ông Vương đã đầu tư 10 lồng nuôi cá Rô, cá Lăng, cá Riêu hồng, cá Trắm... Đến nay, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.

Ông Vương nói: “Qua phương tiện báo chí, học tập kinh nghiệm thực tế ở các tỉnh như Hải Dương, Hòa Bình, năm 2014 tôi đã đầu tư 10 lồng nuôi các loại cá như cá Rô, Riêu Hồng, cá Lăng, cá Trắm đen, lợi nhuận khoảng 100 triệu/năm”.

Thống kê đến nay, huyện Mường La đã có trên 200 lồng nuôi cá tại các lòng hồ thủy điện. Thực tế cho thấy, việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, với sản lượng bình quân đạt 3 tấn cá/lồng; thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/lồng/lứa.

Ông Phan Tiến Diện, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ bằng những chính sách phù hợp để nhân rộng và phát triển phong trào nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

“Đối với huyện Mường La trong thời gian tới để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa mô hình phát triển chăn nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La thì chúng tôi cũng đưa ra một số định hướng như sau: Sẽ chỉ đạo thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa, các công trình thủy điện thông qua việc bảo vệ các bãi cá đẻ tự nhiên, phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện đạt trên 400 lồng cá”- ông Tiến Diện nói.

Những lồng cá với vốn đầu tư không lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang góp phần ổn định đời sống cho người dân, cũng như tránh được những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

 

Theo VOV

.