Điện Biên: Nan giải vấn nạn khai thác cát trái phép

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang diễn ra ngày càng phức tạp. “Cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, bất chấp sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

 

s
 “Cát tặc” tại điểm mỏ thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống.

 

Doanh nghiệp “khốn khó”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chỉ có 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng, trong khi, số lượng “cát tặc” gấp nhiều lần con số đó.

Tại điểm khai thác cát đội 6, xã Pom Lót, huyện Điện Biên, trong khi điểm khai thác của doanh nghiệp được cấp phép khai thác vắng khách, thì “cát tặc” vẫn ngang nghiên hoạt động, tấp nập xe ô tô ra vào.

Chị Lê Thị Thu Giang, kế toán của công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc cho biết: Giá bán cát của Công ty hiện nay là khoảng 130 – 135.000 đồng/m3, còn giá bán của “cát tặc” thấp hơn từ 15 – 20.000 đồng/m3. Trung bình mỗi tháng Công ty chỉ bán được trên 2000m3 cho khách quen là chính.

Anh Lê Văn Hóa, quản lý của Doanh nghiệp Nam Sơn cho biết: Doanh nghiệp mất gần 2 năm mới được cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Phí cấp quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp phải nộp là 500 triệu đồng. Được chính thức cấp phép khai thác vào tháng 3/2016. Nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành khai thác. Cát không bán được, để đảm bảo nộp đủ các loại thuế, phí... cũng rất khó khăn. Trung bình doanh nghiệp phải nộp thêm các loại phí lên đến 32.000/m3, cho nên, việc hoạch toán để bán theo giá thị trường khó thực hiện được.

Trong khi những doanh nghiệp chân chính phải kinh doanh cầm chừng, “cát tặc” do không mất chi phí đầu tư, giá thành rẻ hơn nên lợi nhuận thu về không hề nhỏ.

Chính quyền địa phương “bất lực”?

 

s
 Cát tặc vẫn ngang nghiên hoạt động ở địa bàn xã Noong Hẹt.

 

Ông Lò Văn Hạnh, Trưởng phòng TN&MT huyện Điện Biên cho biết: Trong những năm qua, hoạt động khai thác cát trái phép là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện Điện Biên. Trong năm 2015, UBND huyện Điện Biên đã thành lập 2 tổ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý 35 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 121 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, hoạt động khai thác cát trái phép tuy đã giảm so với trước, nhưng vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm. UBND huyện đã giao UBND các xã xử lý 6 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 25 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, UBND huyện Điện Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị xin cấp giấy phép và chủ động phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy nhanh công tác cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn” – ông Lò Văn Hạnh nhấn mạnh.

Như vậy, rõ ràng đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, trước lợi nhuận mà khai thác cát mang lại, nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để lao vào khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng người dân bao che, tiếp tay cho “cát tặc” khiến việc phát hiện, xử lý kịp thời các điểm khai thác cát trái phép trở nên khó khăn hơn. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì “cát tặc” lui vào ẩn nấp, để rồi khi mọi lực lượng rút lui mới lại tiếp tục khai thác. Cùng với đó, chế tài xử phạt hành chính tối đa của 1 hành vi vi phạm là 5 triệu đồng dường như không đủ sức răn đe. Hơn thế, các đối tượng khai thác cát thường chây ỳ không chịu nộp phạt, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.

Có thể thấy, hệ lụy trực tiếp, hiện hữu của tình trạng khai thác cát trái phép là môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, bờ sông bị sạt lở, đường bị lún, hư hỏng do vận chuyển cát; gây thất thoát ngân sách nhà nước... Điều quan trọng là nếu như tình trạng khai thác cát trái phép không được kiểm soát, ngăn chặn và xử lý triệt để thì liệu rằng sẽ có doanh nghiệp nào chịu bỏ ra những khoản kinh phí hàng trăm triệu để được cấp phép khai khác cát nữa hay không?

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên, huyện Điện Biên cần phải có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát trái phép, trả lại cảnh quan, dòng chảy cho sông Nậm Rốm. Đảm bảo tính bền vững trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên, cuộc sống người dân khu vực, đồng thời, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

 

Hà Thuận
(TN&MT)

.