"Tiền mất - việc đâu?"

Thứ Tư, 21/09/2016, 18:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhiều người nghĩ rằng, cứ bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng rồi nhờ chỗ quen biết kiểu gì cũng có công ăn việc làm ổn định, có người sẵn sàng vay mượn, bán cả ruộng vườn, đất ở để lo tiền chạy việc cho con. Thế nhưng, không phải ai cũng đầu xuôi đuôi lọt, rất nhiều người đã rơi vào tình cảnh tiền thì mất, còn việc làm thì đợi mãi mà chẳng thấy đâu.

Với mong muốn con mình có việc làm trong cơ quan Nhà nước, được một người quen giới thiệu là chị Lò Thị Dung ở bản Lọng Bon, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên xin được việc làm cho nhiều người; năm 2014, anh Tòng Văn Sôm ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên đã đưa cho chị Dung 170 triệu đồng để nhờ môi giới xin việc cho con trai mình là Tòng Văn Phúc, tốt nghiệp trung cấp y Phú Thọ. Nhận tiền, chị Dung hứa cuối năm 2014 sẽ xin được việc làm cho con anh Sôm. Đợi chờ thấp thỏm, đến hết năm 2014, sang năm 2015 không thấy chị Dung thông tin gì, anh Sôm đã nhiều lần đến gặp chị Dung, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được những lời hẹn đợi đợt sau.

v
Anh Tòng Văn Sôm ở bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên kể lại sự việc cho phóng viên

 

Anh Tòng Văn Sôm chia sẻ: "Tôi muốn con ra trường có công ăn việc là ổn định, nên đã đi vay của anh em và ngân hàng với số tiền là 170 triệu đồng. Nhưng đến nay, con tôi vẫn chưa xin được việc, đến nhà chị Dung đòi tiền thì chị ấy cứ khất hết tháng này đến tháng khác."

Biết chị Dung không thể xin được việc làm cho con trai mình, anh Sôm đã nhiều lần xuống nhà đòi lại tiền, nhưng cho đến nay chị Dung mới trả lại cho anh Sôm được 70 triệu đồng, còn 100 triệu đồng không đòi lại được. Anh Sôm chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin và cơn khát việc làm của nhiều người để thực hiện các cuộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Những người bị lừa lấy tiền xin việc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế. Khi giao tiền, hầu hết mọi người đều bị những kẻ lừa đảo viết cho một giấy biên nhận vay tiền và không hẹn ngày trả, không người làm chứng, cuối cùng không đòi lại được. Cái mánh lớn chủ yếu của những kẻ lừa đảo họ thường tự xưng là làm ở cơ quan Nhà nước có uy tín, có quen biết với ông nọ, bà kia.

Theo Sở Nội vụ, hiện nay công tác tuyển dụng cán bộ đã được phân cấp cho từng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng lao động tuyển dụng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và nộp lệ phí tuyển dụng theo quy định của Nhà nước.

Ông Phạm Đình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: "Trong trường hợp tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển, thường Nhà nước cũng quy định một lượng lệ phí nhất định, nhưng cũng chỉ đến từ 100.000 - 150.000 đồng, chứ không phải như nghe bên ngoài mấy trăm triệu một suất, cái đó hoàn toàn là bịa đặt và lừa đảo."

Chuyện dùng tiền để lo lót ông nọ, bà kia chạy việc đã diễn ra từ rất lâu, nhiều người vẫn sẵn sàng vay mượn thậm chí bán cả ruộng vườn để lo tiền chạy việc cho con vào làm ở các cơ quan Nhà nước. Được biết, cũng có người chót lọt xin được việc làm, nhưng cũng có rất nhiều người tiền thì mất, còn việc làm thì chẳng thấy đâu, nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất vì những khoản vay mượn để xin việc làm cho con em mình. Hiện nay, vấn nạn này vẫn đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội từ thành thị đến nông thôn, như một thứ giao ước ngầm lén lút, nhiều người mất tiền xin việc nhưng không phải ai cũng dám nói ra. Câu chuyện tiền mất, việc chẳng thấy đâu, thực trạng này đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với việc tuyển dụng cán bộ của các cơ quan Nhà nước./.

 

   Duy Sinh – Ngọc Hải
 

.