Nghề Báo

Nhọc nhằn, khắc nghiệt, nhưng thật vinh quang

Thứ Năm, 18/06/2015, 16:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thường cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), những người làm báo lại không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về nghề - một nghề đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt, thậm chí không ít hiểm nguy. Song, họ cũng vẫn vui khi nhận rõ nghề báo là một nghề thật vinh quang.

Nếu ai đã có quá trình thực tế hoạt động và thực sự yêu nghề, đau nghề đều ngộ  ra một điều: Nghề báo là nghề đặc thù. Nó có yêu cầu nghề nghiệp và đòi hỏi chấp nhận sự dấn thân của người làm nghề khắc nghiệt hơn các nghề khác. Mặc dù trong quá trình tác nghiệp, phóng viên không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thậm chí cả những vùng khi người làm báo tác nghiệp thì xảy ra tình trạng đối tượng được tìm hiểu, trao đổi (bà con người địa phương) với người làm báo kiểu “50/50 – nghĩa là anh nói anh nghe, tôi nói tôi nghe”.

1
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

 

 Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ tin, bài do Ban Biên tập phân công, hoặc có  những bài viết mang tính thời sự được lãnh đạo chỉ định, gắn với yêu cầu hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Song, nỗi vất vả và áp lực nhất có lẽ là khi nhà báo phải thực hiện một phóng sự điều tra, hay bài phản ánh một vụ việc tiêu cực nào đó, thì ôi thôi, dù sự việc đúng mười mươi thì cũng nào là điện thoại trực tiếp, lời nhắn gửi qua cấp trên, thậm chí cả ánh mắt của những người có liên quan chẳng “chao nghiêng”, mà luôn là gườm gườm, gắn với cái hứ hừ chẳng mấy thiện cảm.

Vẫn biết nhà báo chỉ đóng vai trò là người thuật lại, kể lại, phản ánh lại một vấn đề hay sự việc xảy ra tại một địa phương, cơ quan, đơn vị nào đó để những người không tận mắt chứng kiến hiểu rõ tính chất, nội dung, bản chất vấn đề. Nhưng hình như ở một số ngành, đơn vị có những người khi người khác khen thì thích, thậm chí còn cho quà, mời uống rượu. Trái lại khi được người khác chỉ ra điểm yếu, cái sai của mình thì “rất giận”. Phải chăng có hiện tượng này là bởi họ đã nhiễm nặng căn bệnh chỉ thích yêu cầu mọi người, nhất là cấp dưới phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc “tự phê bình và phê bình”, còn mình thì tùy thích.

Trước loại áp lực này, nếu nhà báo xem nhẹ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, phản ánh thông tin không trung thực, thiếu khách quan thì sẽ làm cho bạn đọc sẽ hiểu nhầm; hơn thế là đã không làm tròn trách nhiệm giúp lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đưa ra chủ trương, chính sách đúng, kịp thời định hướng, giải quyết sự việc, cho dù bản chất, vấn đề báo chí nêu là tích cực hay tiêu cực.

Cách đây vài năm, Báo Điện Biên Phủ có đăng bài: Dự án nước sinh hoạt ở Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) làm mười hỏng chín. Khi báo phát hành, đơn vị thi công hệ thống nước sinh hoạt nhờ  phóng viên của một cơ quan báo chí khác viết bài phản bác lại nội dung bài báo đăng tải. Để rộng đường dư luận và theo Luật Báo chí, Báo Điện Biên Phủ tiếp tục cử phóng biên về lại Ẳng Tở điều tra, xác minh tình hình; cơ quan công an cũng kịp thời vào cuộc và kết quả là phóng viên phản ánh đúng, trúng sự việc.

Bên cạnh những áp lực đã nêu, cũng có những áp lực khi phóng viên viết về những chương trình, dự án lớn, có sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh như Dự án di dân tái định cư xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La tại TX. Mường Lay, Chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo; thực hiện Nghị quyết 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới... Khi thực hiện bài viết về các chương trình, dự án lớn của tỉnh, thì không chỉ phóng viên mà ngay cả Ban Biên tập cơ quan báo chí và cơ quan chỉ đạo là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Sở Thông tin và Truyền thông luôn phải cân nhắc rất kỹ giữa nên, hay không nên. Câu chuyện ở đây là vì hiệu quả xã hội của bài báo chứ không phải vì vấn đề lớn, vấn đề nhỏ; liên quan đến một người hay nhiều người... Luật Báo chí không cấm đưa thông tin về lĩnh vực nào cả, nhưng người làm báo phải cân nhắc giữa lợi và hại của thông tin tác động đến tính nhân bản, đến an sinh xã hội và nghiêm trọng hơn là an ninh quốc gia...Điều này cho thấy ở đây nên hay không nên là vấn đề trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo trước nhân dân, trước đất nước và trước Đảng bộ tỉnh.

Vậy nên, nếu ai đó nghĩ “Nghề báo sướng thật” thì chưa thực sự hiểu và đồng cảm với người làm báo. Có lẽ chỉ những người trong nghề, hoặc đã tham gia với trách nhiệm cao với nghề mới thấy hết nỗi vất vả của phóng viên. Được  biết, như đã thành quy trình tác nghiệp, mỗi chuyến đi, phóng viên đều có những suy tính, dự định từ trước, nhưng nhiều khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi phóng viên đã hẹn trước cơ quan, đơn vị, cơ sở, nhưng xuống đến nơi vì nhiều lý do khác nhau (có người kêu bận việc đột xuất, có người lấy lý do vì sai thời gian đã hẹn trước, có cả trường hợp “trốn” không tiếp…), không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải làm lại, hoặc chuyển địa điểm khác. Rồi khi tham gia đoàn công tác, hay dự sự kiện nào đó, lúc mọi người được nghỉ ngơi thì cũng là lúc phóng viên phải bắt tay vào viết, truyền tin, bài, ảnh về tòa soạn để bộ phận biên tập kịp thời chỉnh sửa, đăng báo, phát sóng.

Sau nhiều lần theo dõi phóng viên hoạt động, có lúc tôi đã nghĩ: phải chăng nghề phóng viên là nghề “mang nợ”, bởi sau khi hoàn thành bài viết, phóng viên lại tiếp tục bắt tay cho việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho những số báo sau ?. Đặc biệt vào dịp cuối năm, hay đại hội, kỷ niệm năm tròn, năm chẵn,… phóng viên tất bật với những kế hoạch viết báo đăng các số thường kỳ, đồng thời còn phải triển khai bài viết cho các số báo đặc biệt này. Vậy là họ luôn phải trong “vòng quay” gấp gáp của công việc. Những người sức khỏe không tốt ốm, ngất là chuyện có thể xảy ra...

1
Bản tin Thời sự truyền hình trực tiếp là thế mạnh của Đài PT-TH Điện Biên

 

Hai cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh là Báo Điện Biên Phủ và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Điện Biên đều là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của Chính quyền, diễn đàn của Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, nên mỗi phóng viên, người làm báo của hai cơ quan báo chí này đều đã luôn không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ báo chí.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ việc nâng cao chất lượng báo, đài. Để đáp lại sự quan tâm của tỉnh và với trọng trách được giao, qua theo dõi chúng tôi nhận thấy mỗi phóng viên Báo Điện Biên Phủ và Đài Phát thanh-Truyền hình của tỉnh khi đặt bút viết bài họ luôn đặt câu hỏi, bài báo đó có lợi gì cho công chúng, mang lại những gì mà xã hội cần, có thực sự phục vụ Nhân dân ? Vì vậy, trong giao ban báo chí hằng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hay trong sinh hoạt chuyên môn tại các Chi hội Nhà báo, cơ quan chỉ đạo và Ban Biên tập, cũng như phóng viên cơ quan báo chí đều thống nhất: muốn có nhiều bài báo hay, hấp dẫn, thu hút bạn đọc, tạo nên “thương hiệu riêng” thì mỗi nhà báo không ngừng tìm tòi, học hỏi, đào sâu suy nghĩ, viết bằng chính sức lực, trí tuệ, tâm huyết của bản thân mình.

Nói như vậy để thấy, không phải nghề báo chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, mà nó còn đem lại cho người làm báo có những trải nghiệm mới và những cái “được” không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, từ đó hiểu biết xã hội được nâng cao. Và tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nhưng những người làm báo còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và của các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Cụ thể, vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6…, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh luôn có hoa và quà chúc mừng cán bộ, phóng viên, nhân viên. Hội Nhà báo tỉnh hàng năm tổ chức cho hội viên đi học tập, trao đổi, giao lưu với các báo bạn và các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Lãnh đạo cơ quan báo chí cũng thường xuyên động viên, khen thưởng đối với những nhà báo có thành tích trong công tác tuyên truyền… Những lời động viên, những tin nhắn chúc mừng của người thân, đồng nghiệp hay độc giả đã tiếp thêm nhiệt huyết cho phóng viên bước tiếp trên con đường đã chọn. Ngoài ra, còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, nhà báo lại có những tác phẩm được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi do Trung ương, tỉnh và các ngành phát động …

1
Phóng viên Truyền hình Dân tộc Đài PTTH tỉnh Điện Biên tác nghiệp tại hiện trường

 

Song hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, mỗi nhà báo là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội. Những bài viết phản ánh về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, về cuộc sống xung quanh, về gương người tốt việc tốt…, sau khi đăng báo được các cơ quan chức năng cảm ơn, ghi nhận; nhiều nhân vật gặp khó khăn trong bài viết được xã hội quan tâm, chia sẻ; những điển hình tiêu biểu trở thành tấm gương cho mọi người học và làm theo… tất cả trở thành niềm vui, niềm tự hào và là bằng chứng khẳng định vinh quang của những người làm báo.

Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Nhận lãnh trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và xã hội trao gửi, người làm báo cũng là người chiến sỹ để mỗi khi một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc là sự vào cuộc của cả một tập thể phóng viên, biên tập viên, đội ngũ người làm báo. Và để có những bài báo chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng và hiệu quả cho tờ báo./.

 

  Nguyễn Vân Chương

.