Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em

Thứ Sáu, 12/06/2015, 14:10 [GMT+7]

Việt Nam có gần 10% số trẻ từ 5 - 17 tuổi trên toàn quốc và trong đó 3/5 đang ở độ tuổi từ 15 – 17 là lao động trẻ em.

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6), ngày 11/6, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông tin về “Báo cáo Toàn cầu về Lao động Trẻ em 2015: Mở đường hướng tới việc làm bền vững cho thanh niên”. Trong đó nhấn mạnh, nhóm thanh niên phải lao động từ khi còn bé thường có nguy cơ cao phải làm các công việc gia đình không được hưởng lương hoặc các việc làm có thu nhập thấp.

 

Theo báo cáo, khoảng 20% - 30% số trẻ em tại các quốc gia có thu nhập thấp hoàn tất quá trình chuyển tiếp từ trường học đến việc làm ở độ tuổi 15, một số lượng lớn hơn còn nghỉ học sớm hơn nữa.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Đảm bảo trẻ em được đến trường và hưởng nền giáo dục chất lượng tốt cho đến tuổi lao động tối thiểu có vai trò quyết định tới tương lai của các em. Đó là cách duy nhất trẻ em có thể đạt được những kiến thức và kỹ năng căn bản cần thiết giúp các em tiếp tục học lên cao, hoặc tìm việc làm, vì tương lai của các em”.

Ước tính mới nhất của ILO cho thấy toàn thế giới có 168 triệu lao động trẻ em, với 120 triệu em là từ 5 đến 14 tuổi. Các em bỏ học sớm thường ít có cơ hội được đảm bảo việc làm ổn định và có nguy cơ cao không tìm được việc làm; một tỷ lệ lớn thiếu niên từ 15 - 17 tuổi tại nhiều quốc gia đang làm công việc bị xếp vào loại độc hại hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; những em đang làm các công việc độc hại thường dễ bỏ học sớm trước khi đủ tuổi lao động tối thiểu.

Theo ILO, Cần quan tâm đặc biệt đến nhóm 47,5 triệu thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi đang làm việc trong điều kiện độc hại và sự dễ tổn thương của trẻ em gái và thiếu niên.

Tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em – nghĩa là đang làm việc trong khi vẫn ở dưới độ tuổi làm việc tổi thiếu mà pháp luật cho phép. Con số này tương ứng với gần 10% số trẻ từ 5 - 17 tuổi trên toàn quốc và trong đó 3/5 đang ở độ tuổi từ 15 - 17. Gần 85% lao động trẻ em sống ở khu vực nông thôn và 65% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Các em thường làm việc gia đình không lương. Điều tra cũng chỉ ra 1/3 lao động trẻ em phải làm việc hơn 42 giờ trong một tuần.

ILO nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm phòng chống lao động trẻ em, đặc biệt là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, thông qua việc cải thiện hệ thống pháp luật quốc gia để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và tăng cường hệ thống giáo dục cơ bản.

Việt Nam đã phê duyệt hai công ước cơ bản của ILO là Công ước về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Công ước về Độ tuổi làm việc tối thiểu trong năm 2000 và 2003./.

 

Theo VOV
 

.