Bảo tồn dân tộc Cống ở Nậm Kè

Thứ Hai, 24/08/2015, 16:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đồng bào dân tộc Cống sau quá trình thiên di lâu dài cuối cùng cũng chọn cho mình những vùng đất để định cư. Với đồng bào dân tộc Cống ở bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cuộc sống sau khi định cư đã thực sự thay đổi. Không chỉ biết canh tác lúa nước đồng bào đã thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Hiện nay, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào trong bản đang nỗ lực vươn lên tích cực xóa đói giảm nghèo vươn lên trở thành một trong những cộng đồng dân cư đoàn kết và có bước phát triển vững chắc.

v
Bản Nậm Kè là nơi quần tụ của 54 hộ gia đình đồng bào Cống với 320 nhân khẩu. 100% hộ gia đình có nhà ở vững chãi.

 

Năm 1958, 3 hộ gia đình đầu tiên chuyển về dựng nhà bên cạnh suối Nậm Kè. Dần dần bản Nậm Kè hình thành và cũng là một trong những bản định cư đầu tiên của xã Nậm Kè bây giờ. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống những ngày đầu mới định cư khá khép kín. Đồng bào sống dựa vào rừng, cái ăn cái uống trông cả vào rừng nên không thể nói hết những khó khăn, khổ cực. Rồi chính sách của Đảng, Nhà nước cũng tới với đồng bào. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng bào dân tộc Thái, bà con trong bản cũng dần biết canh tác ruộng lúa nước và lấy đó làm phương thức sản xuất chủ đạo. Các chương trình dự án như 134, 135 đầu tư các công trình thiêt yếu và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Giờ đây, vẫn nằm bên dòng Nậm Kè nhưng bản là nơi quần tụ của 54 hộ gia đình đồng bào Cống với 320 nhân khẩu. 100% hộ gia đình có nhà ở vững chãi, không còn hộ nào phải sống trong nhà tranh tre dột nát. Điện về bản, nhà lớp học được xây dựng, 100% trẻ em được đến trường, cuộc sống của bà con thực sự đã khác xưa.

Có vào bản Nậm Kè mới thực sự thấy được cuộc sống yên bình của đồng bào Cống nơi đây. Bà con cần cù, chăm chỉ gắn bó ruộng nương, phát triển chăn nuôi, trồng rau xanh tăng gia. Số hộ nghèo của bản hiện đã giảm xuống còn 17 hộ. Việc xây dựng, phát triển cộng đồng dân tộc của đồng bào Cống càng có thêm động lực khi Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" được triển khai. Nhiều nội dung, nhiều hạng mục công trình dự kiến được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành thực sự sẽ làm thay đổi diện mạo, mang lại lợi ích to lớn cho đồng bào. Theo đề án, bản sẽ được đầu tư 1 công trình đường giao thông với kinh phí 5 tỷ đồng, 1 công trình thủy lợi với năng lực tưới 30ha trị giá 7 tỷ đồng, 1 công trình nước sinh hoạt 2,5 tỷ đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng... và trong thực tế bà con hết sức mong chờ các công trình này của dự án. Quan trọng nhất là việc nhựa hóa con đường từ Quốc lộ 4H vào bản. Đây là con đường huyết mạch của bản khi được đầu tư không những phục vụ nhu cầu của bản Nậm Kè mà còn phục vụ nhân dân các bản Huổi Thanh 1, Huổi Thanh 2... Bên cạnh đó, đầu tư về công trình nước sinh hoạt tập trung cũng là một nhu cầu cấp thiết của bà con trong bản. Anh Lò Văn Thắng, Trưởng bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: "Bà con mong muốn Nhà nước đầu tư con đường bê tông vào bản, bởi vì mỗi khi mùa mưa đến việc đi lại rất khó khăn, người dân trong bản không thể đi lại bằng xe máy được mà chỉ đi bộ thôi. Đồng thời, cũng mong Nhà nước sớm đầu tư công trình nước sinh hoạt cho người dân nữa."

c
100% trẻ em trong bản được đến trường

 

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Cống bản Nậm Kè cũng ý thức rất rõ việc giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Như nhiều dân tộc khác, dân tộc Cống cũng có ngôn ngữ riêng, trang phục riêng và nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như: Đồng bào Cống có những điệu hát riêng, tục thờ cúng tổ tiên, lễ hội cúng bản trước vụ gieo hạt... Người Cống thường hát múa trong các dịp sinh hoạt cộng đồng như lên nhà mới, đám cưới, lễ tết... đồng bào có những điệu hát dân ca quen thuộc và hết sức phong phú, nổi tiếng như các bài Gà gáy, Rừng xanh ơi ta về đây... Tuy nhiên, với hình thức lưu giữ truyền miệng thế hệ này qua thế hệ khác và qua quá trình thiên di lâu dài, các nhóm dân cư sống trải rộng tại nhiều địa bàn nên những nét văn hóa này đã bị mai một dần. Đến với các cộng đồng dân tộc Cống hiện nay có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng văn hóa của các dân tộc khác gần nơi cư trú như dân tộc Thái, dân tộc Lào, Dao... Chính vì vậy, bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng dân tộc Cống. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành những nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cống từng bước được tìm hiểu và khôi phục. Chẳng hạn như việc phục dựng lại lễ hội tết hoa, sưu tầm các điệu hát truyền thống, khuyến khích việc may và mặc trang phục truyền thống...   

Tại xã Nậm Kè, bản Nậm Kè của dân tộc Cống là cộng đồng hình thành lâu đời, gắn liền với vùng đất biên giới này. Bởi vậy, qua các giai đoạn đồng bào trong bản chấp hành rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bà con tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cộng đồng bản ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đặc thù, cộng đồng dân tộc Cống nói chung và bản Nậm Kè nói riêng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn và phát triển dân tộc. Là dân tộc thiểu số ít người nguy cơ lớn nhất đối với đồng bào chính là suy giảm giống nòi do hôn nhân cận huyết. Mặc dù các chính sách về y tế, dân tộc đã góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng việc bà con, anh em họ hàng trong bản lấy nhau là việc diễn ra. Ngoài nguy cơ này thì các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn hóa dù đã có biến chuyển và thành tựu nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, đồng bào Cống xã Nậm Kè vẫn rất cần sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, các ngành để tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định.

c
Do các nhóm dân cư sống trải rộng tại nhiều địa bàn nên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cống đã bị mai một dần.

 

Theo ghi nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương việc phát triển kinh tế - xã hội tại bản đồng bào dân tộc Nậm Kè có nhiều thuận lợi do dân cư đã định cư lâu đời, luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không di dịch cư tự do, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của thế lực thù địch, chưa có tệ nạn xã hội trong cộng đồng bản. Đặc biệt, bản có chi bộ đảng với 19 đảng viên, trong đó có những đồng chí giữ vai trò chủ chốt của Đảng ủy, chính quyền xã như: Ông Chảo Văn Sơ, nguyên chủ tịch UBND xã Nậm Kè giai đoạn 2006 - 2010; ông Hù Văn Thơi, phó bí thư thường trực Đảng ủy xã... Đây là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi đối với đồng bào dân tộc Cống Nậm Kè trong quá trình xây dựng, phát triển cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng xác định rõ những khó khăn và có giải pháp cụ thể để hỗ trợ giúp đỡ nhân dân bản Nậm Kè. Đặc biệt, phối hợp với các cấp, các ngành triển khai tốt các nội dung của Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, góp phần giúp đồng bào không ngừng vươn lên về mọi mặt.

Ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè cho biết: "Trong mấy năm qua, Chi bộ bản Nậm Kè đã thực hiện tốt công tác củng cố chi bộ cũng như công tác phát triển đảng viên; ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong bản thực hiện các chính sách, phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cùng xã vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, xã cũng xác định đây là bản dân tộc Cống được Nhà nước ưu tiên triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống, cho nên xã cũng kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư hỗ trợ nhân dân bản này có cuộc sống ngày càng ổn định hơn."

Trong cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cùng với các dân tộc Si La, Phù Lá, Mảng, đồng bào dân tộc Cống là dân tộc thiểu số ít người nhất. Với địa bàn cư trú hẹp chỉ gói gọn tại 4 bản cùng với các điều kiện đặc thù về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, đời sống đã quyết định các đặc điểm cộng đồng cũng như cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống. Hiện nay, về cơ bản vùng đồng bào dân tộc Cống nói chung và bản Nậm Kè nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình dự án đặc thù trợ giúp, hỗ trợ về mọi mặt từ sản xuất, nhà ở đến y tế, văn hóa giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển dân tộc, xây dựng, phát triển cộng đồng bền vững vươn lên ngang bằng với cộng đồng các dân tộc anh em. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì ý thức vươn lên của chính đồng bào dân tộc Cống bản Nậm Kè trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc chính là yếu tố quan trọng then chốt./.

 

Chu Linh - Trọng Lâm
 

.