Tín ngưỡng thờ nước trong lễ hội dân tộc

Thứ Ba, 14/07/2015, 10:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo quan niệm của triết học cổ phương Đông, nước là một trong năm yếu tố cấu thành vạn vật trên thế gian. Trong thực tế, nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội và con người. Vai trò quan trọng của nước, chính là cơ sở hình thành nên tín ngưỡng thờ nước và các lễ hội cúng thần nước của các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc khu vực Tây Bắc nói riêng.

c
Lễ hội cầu mưa của đồng bào Khơ Mú huyện Mường Ảng

 

Nước là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp tới đời sống xã hội và con người. Nước cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Nước giúp con người duy trì sự sống. Nước nối dài thêm những tuyến đường. Nước là yếu tố cần thiết trong quá trình khai sinh và phát triển những ngành, nghề mới. Vai trò của nước đối với đời sống xã hội và con người chính là phát nguyên của tín ngưỡng thờ nước, phổ biến trong các lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc.

Tín ngưỡng thờ nước của đồng bào Thái đen được thể hiện qua tục cúng thần sông trong lễ hội xên mường, xên bản. Ở lễ hội Kin Pang Then của đồng bào Thái trắng có tục té nước diễn ra cuối phần lễ. Người khơ mú lại tổ chức lễ cầu mưa, hay lễ tra hạt trước mùa nương rẫy. Dân tộc Lào cũng có lễ hội cầu mưa, với tục đi xin mưa và cúng thần sông nước. Trong các lễ hội này, thần sông, thần mưa luôn được sùng bái. Các thần chính là đại diện tối cao tập hợp sức mạnh của nước, mang đến sự sống hoặc sự tàn phá khiến con người vừa sùng kính, vừa sợ hãi.

Vốn là một sắc tộc lớn ở khu vực miền Bắc nước Lào di cư vào Việt Nam khoảng 200 năm về trước, ngày nay người dân tộc Khơ Mú đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh có biên giới giáp Lào như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Điện Biên, người dân tộc Khơ Mú sinh sống tập trung ở các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và huyện Mường Chà. Dựng bản làng trên các đồi núi xa sông suối, đời sống của người Khơ Mú dựa chủ yếu vào nương rẫy. Mỗi năm chỉ có một vụ gieo trồng, họ no đói phụ thuộc cả vào vụ mùa này. Đời sống phụ thuộc vào tự nhiên của họ cũng giống như cây lúa, cây ngô phụ thuộc vào mùa mưa năm ấy mưa thuận, gió hòa, hay hạn hán, lũ lụt. Tâm lý sùng bái và sợ hãi trước sức mạnh của đấng vô hình, đã tạo nên hình tượng thần mưa trong tín ngưỡng dân gian của các cộng đồng Khơ Mú. Đây là lý do vì sao họ tổ chức lễ hội cầu mưa trước mùa tra hạt hàng năm.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Khơ Mú huyện Mường Ảng được tổ chức hàng năm, thể hiện sự sùng bái và lòng thành kính đối với thần mưa, vị thần có thể đem đến ấm no cho dân bản. Để thể hiện tấm lòng với thần linh, trước mùa lên nương tra hạt, dân bản thường chuẩn bị một mâm cúng với gồm đôi gà, gạo, trứng, cơm, muối, rượu và vải vóc, quần áo. Người chủ tế đại diện cho dân bản khấn mời các thần linh về dự và hưởng thụ lễ vật dân bản dâng lên. Họ cũng xin thần cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ trang trọng, bà con được tổ chức vui chơi, với các tiết mục diễn xướng đầy ngẫu hứng và có tính biểu tượng cao. Các điệu múa: chui qua dây, múa đi rừng, múa gieo hạt, múa sạp, hay múa cầu mưa, diễn tả các hoạt động lao động của cư dân nương rẫy và các hiện tượng tự nhiên như gió, bão, sấm, chớp, thể hiện sự mong chờ cơn mưa đầu tiên tưới mát nương rẫy sau một mùa khô hạn. Ông Quàng Văn Cà, dân tộc Khơ Mú, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng cho biết: Lễ hội cầu mưa của người dân tộc Khơ Mú là lễ hội truyền thống từ xa xưa được ông cha để lại. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, sức khỏe hạnh phúc.

c
Người dân tộc Lào huyện Điện Biên cũng có lễ hội cầu mưa. Nhưng cộng đồng này thường sống bên sông, suối, nên bên cạnh việc thờ cúng thần mưa, họ còn thờ cúng cả thần sông, suối.

 

Sùng bái thần mưa là tín ngưỡng chung của cộng đồng các dân tộc sống dựa vào nương rẫy. Người dân tộc Lào huyện Điện Biên cũng có lễ hội cầu mưa. Nhưng cộng đồng này thường sống bên sông, suối, nên bên cạnh việc thờ cúng thần mưa, họ còn thờ cúng cả thần sông, suối. Lễ hội cầu mưa của người dân bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên tổ chức vào tháng 3, tháng 4 âm lịch tức là khoảng tháng 5 dương lịch hàng năm. Mục đích của lễ hội là để xin Nhà trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Tín ngưỡng thờ nước của người dân tộc Lào được thể hiện rất rõ ở tục xin nước trong lễ hội này. Bà Mo bản dẫn đầu đoàn xin nước là các phụ nữ trong bản. Họ đến chân cầu thang của từng nhà xin nước với bài cầu khấn: Ý lúm, ý Lang, xin cho mưa xuống ruộng mạ, xin cho mưa  xuống đồng khô, cho mưa đổ ra sông, ra suối.

Để đón đoàn xin nước sẽ đến vào ngày lễ, các gia chủ phải chuẩn bị bánh chưng, hoa quả và một chậu nước thơm. Sau khi mang đầy đủ của ngon, vật lạ cho đoàn xin nước, chủ nhà té nước thơm vào họ tượng trưng cho hình tượng mường trời ban mưa xuống. Có mưa là có sự sống, có mưa ngô, lúa tốt tươi, có mưa là tay lưới, tay chài thêm nặng. Có mưa dân bản hoan ca, vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Cũng sống ở ven sông, suối, lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng ở khu vực thị xã Mường Lay và các xã Nậm Nèn, Pa Ham (huyện Mường Chà) cũng có tục cầu mưa, thể hiện tín ngưỡng thờ thần nước. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, trong tiếng đàn tính đầy mê hoặc. Để cầu cho mưa thuận, gió hòa, ông Mo dùng cây đàn tính tấu lên khúc lễ nhạc hát mời các vị thần linh nơi mường trời về thụ hưởng lễ vật và phù hộ cho mùa màng bội thu, dân bản no ấm. Cuối phần lễ, có tục té nước và ném hạt lúa, hạt bông vào tất cả những người tham gia lễ hội. Những động tác mang tính biểu tượng này thể hiện mong ước của bà con dân bản về một năm đầy may mắn, trời cho mưa gió thuận hòa, vạn vật tốt tươi.

Tín ngưỡng sùng bái thần nước không chỉ tồn tại trong tập quán của các cộng đồng dân tộc sinh sống ở miền núi Tây Bắc. Tín ngưỡng này còn thể hiện qua các tập quán khác nhau ở nhiều vùng, miền. Đó như lời nhắc nhở đối với các cộng đồng, nguồn nước vô cùng cần thiết cho sự sống. Những thập niên gần đây, sự gia tăng dân số, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường đang đe dọa nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy ở nhiều khu vực. Lũ lụt, hạn hán, là hậu quả của hành động tàn phá môi trường, hủy hoại nguồn nước do con người gây nên. Nuôi sống con người, vạn vật cũng là nước, mang sức mạnh hủy diệt cũng là nước. Tín ngưỡng thờ nước ngày nay cần được nhìn nhận ở góc độ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Khi con người biết trân trọng, bảo vệ thiên nhiên, lợi ích lâu dài sẽ đến. Ngược lại, hủy diệt thiên nhiên cũng chính là hủy diệt cơ hội sống của chính con người./.

 

Minh Giang – Trọng Lâm

 

.