Độc đáo lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 24/03/2015, 16:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vừa qua, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2015, các đoàn nghệ thuật quần chúng huyện, thị, thành phố đã đem về Ngày hội Văn hóa Thể thao và du lịch lần thứ 4 những lễ hội thể hiện những nét truyền thống văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc mình. Các lễ hội dù có thời gian, không gian diễn ra khác nhau và có những nét riêng biệt có một không hai nhưng tựu chung đều thể hiện tính cố kết cộng đồng, sự gắn bó, hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên.

v
Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú (huyện Mường Ảng)

 

Điện Biên mảnh đất với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Miền đất của núi rừng hoang sơ và những cộng đồng dân tộc luôn đề cao tinh thần đoàn kết. Sống giữa thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, cuộc sống gắn với nương rẫy, sông suối, núi rừng. Các yếu tố tự nhiên đó luôn có ảnh hưởng lớn đến đời sống của cộng đồng, của con người. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc  mỗi thực thể tự nhiên như núi, rừng, sông, suối, cây đều có một vị thần trú ngụ và cai quản. Những vị thần này có sức mạnh và chi phối đến cuộc sống của con người bằng cách ban phát điều tốt lành may mắn hoặc gieo rắc những tai họa, những điều không may. Chính vì vậy, việc tổ chức lễ hội là để cầu xin hoặc làm các thần linh vui lòng ban phát cho con người một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng được bình yên… Tinh thần này được thể hiện trong hầu hết các lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Khơ Mú tại huyện Mường Ảng. Mỗi năm lễ hội đều được đồng bào Khơ Mú tổ chức với lòng thành kính để cầu mong có mưa để cây lúa, cây ngô tốt tươi. Để bắt đầu lễ hội, dân bản phải chuẩn bị một mâm cúng với các đồ lễ gồm 2 con gà, một trống, một mái, 1 bát gạo, 1 quả trứng, 1 gói cơm, 1 gói muối, 1 chai rượu, 2 quả bầu và các loại vải màu đỏ, màu trắng, màu đen cùng quần áo cúng của dân tộc.

Khi mâm cúng được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng sẽ khấn mời các thần thánh, thần sông, thần núi, thổ địa về dự và ăn. Tiếp đó thầy xin âm dương để hỏi các thần đã về chưa sau đó thầy mới đọc lời khấn: Hôm nay bà con dân bản chọn được ngày lành, tháng tốt, bà con tổ chức mâm cơm mời thần linh đến và phù hộ cho bà con năm nay được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe hạnh phúc… Tôi thay mặt bà con xin âm dương các thần linh phù hộ… Sau đó thầy cúng lật que xin âm dương, lật được thầy sẽ thay mặt bà con tạ ơn các thần linh và tiễn các thần linh về núi, về sông, về đất rồi xin cho bà con được tổ chức vui chơi trống chiêng, tăng bu, hưn mạy, kéo co, múa xòe…

Ông Quàng Văn Cà, Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Mường Ảng cho biết: "Qua lễ hội nhằm đưa ra cho cộng đồng xã hội cùng được biết và cùng được xem bản sắc văn hóa truyền thống lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú. Bởi vì, do hiện nay nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc đã dần bị mai một nên thông qua lễ hội lần này, chúng tôi muốn phục dựng lại để cho người dân trong huyện, tỉnh và cả nước được biết."

x
Phần hội của Lễ hội cầu mưa của dân tộc Lào bản Na Sang 1(huyện Điện Biên)

 

Cũng có mục đích như lễ hội cầu mưa của đồng bào Khơ Mú nhưng lễ hội cầu mưa của dân tộc Lào bản Na Sang 1 – huyện Điện Biên lại mang đậm dấu ấn của hình thức diễn xướng. Lễ hội cầu mưa được đồng bào gọi là Ý Lúm, Ý Lang. Lễ hội này nằm trong lễ hội Căm Mương hiện nay được tổ chức trùng với tết cổ truyền của dân tộc. Lễ hội cầu mưa thường diễn ra vào tháng 5 âm lịch tức là khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch hàng năm. Mục đích của lễ hội là để xin Nhà trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Phần lễ diễn ra với việc đoàn xin nước với những người phụ nữ do bà mo bản dẫn đầu. Đoàn xin nước đi đến từng nhà xin nước, xin lộc trời. Khi đến xin nước mọi người không được phép lên Nhà trời mà phải đứng dưới chân cầu thang và cùng đọc bài khấn đồng giao:

Hỡi then ông, then bà
nhà có con trâu cái
nhà có nhiều con trâu đực
trâu đực nhà sừng cong
nhà then bà tốt bụng
dân xin gì cũng có
bản xin gì cũng cho
đoàn đến xin nước thánh
cho mưa xuống Mường Đủm
không cho sẽ không về
dù ba năm vẫn ở
mai sẽ lại quay vào.


Ông Then hỏi: Người Mường Đủm đến làm gì thế, xin gì thế?

Lúc này bà Mo bản mới thưa: Ý Lúm ơi ý Lang, xin mưa rơi xuống ruộng mạ, xin mưa rơi xuống đồng khô, vôi trên gác khói giăng, ruồi nhặng nằm quay quắt, mưa đổ để cụ bà ra suối, hạt mưa to bằng hạt Muổi, mọi suối lũ đen ùa về mọi khe lũ đỏ tràn xuống, ăn tối xong mưa rơi xối xả.

Khi đọc xong, các gia chủ trong vai Nhà trời sẽ đáp lại và ban lộc là bánh chưng, hoa quả và té nước thơm trong chậu xuống đoàn người xin nước để tượng trưng cho Mường trời ban mưa xuống. Phần lễ kết thúc cũng mở ra phần hội với hàng loạt trò chơi thú vị, náo nhiệt như trò hổ vồ, trò táu la sa tức, trò trộm trứng rùa, trò rắn ăn ếch, múa hát...

Trong số các lễ hội được trình diễn tại Lễ hội Hoa Ban 2015 có những lễ hội được tổ chức khá đơn giản nhưng lại mang đậm dấu ấn truyền thống dân tộc và gắn chặt với những quan niệm về nhân sinh của dân tộc mình. Điều này được thể hiện rõ trong lễ hội trừ tà của dân tộc Mông xanh xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa. Lễ hội trừ tà là một trong những lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Mông xanh Tủa Chùa. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 – 16 tháng 9 âm lịch hàng năm và được tổ chức luân phiên từng nhà trong bản. Tham gia cúng lễ chỉ có 4 người gồm chủ nhà và cũng là thầy cúng chính, thầy trống, thầy thổi khèn cùng người phụ rót rượu cảm ơn. Mỗi thầy cúng đều có những lời khấn và hành động riêng nhưng tựu chung đều hướng đến mục đích thể hiện niềm tin tưởng, thành kính với thần thánh và bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên cũng như xua đuổi tà ma, xua đuổi cái xấu và đón chờ cái tốt đẹp trong năm mới. Mặc dù quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhân văn như vậy nhưng lễ hội trừ tà nói riêng và nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung qua thời gian đã dần bị mai một, hoặc không còn giữ được những nét độc đáo như xưa. Chính vì vậy, công tác bảo tồn, phục dựng những lễ hội rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Có thể nói, lễ hội là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo và không thể thiếu đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, qua thời gian và ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhiều lễ hội đã bị mai một và dần biến mất. Vì vậy, những dịp trình diễn lễ hội truyền thống trong Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch được ngành Văn hóa tỉnh nhà tổ chức hàng năm chính là một cơ hội để giới thiệu, quảng bá, bảo tồn các lễ hội truyền thống. Khi giữ được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp trong lễ hội của các dân tộc thiểu số không những góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn xây dựng được một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự chú ý của du khách thập phương, phục vụ mục đích phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh nhà./.

 

Chu Linh  - Huy Long
 

.