Đại hội Chi hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tỉnh Điện Biên lần thứ IV

Thứ Sáu, 06/02/2015, 18:19 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoá III, nhiệm kỳ 2007 - 2014; đề ra phương hướng hoạt động khoá IV, nhiệm kỳ 2014-2019.

Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007-2014, kiểm điểm BCH Chi hội khóa III và thảo luận, góp ý về phương hướng, nhiệm vụ khoá IV nhiệm kỳ 2014-2019. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là hướng tới việc đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT các DTTS Điện Biên ngang tầm nhiệm vụ của thời kỳ mới. Hiện nay, Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Điện Biên có 37 hội viên, trong đó các thành phần dân tộc gồm có: Dân tộc Thái có 14, Dao 1, Mông 2, Hà Nhì 1, Kinh 19; hoạt động trong các chuyên ngành: Văn học 18, nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian 7, âm nhạc 3, múa 4, nhiếp ảnh 3, mỹ thuật 2.

c
Đồng chí Đỗ Trọng Luân, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Điện Biên (người đứng giữa) tặng hoa cho các đồng chí trong BCH Chi hội VHNT các DTTS Điện Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2014-2019.

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng văn nghệ sỹ Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Điện Biên đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác nhiều tác phẩm công trình mới, có giá trị, được công chúng đón nhận, những tác phẩm đều mang đậm bản sắc của 19 dân tộc anh em trong tỉnh. Nội dung sáng tác, các tác phẩm đã tập trung phản ánh chân thực cuộc sống con người Điên Biên trong cuộc sống sinh hoạt, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, chất lượng các tác phẩm đã có nhiều chuyển biến rõ nét cả nội dung và hình thức, đa dạng, phong phú về đề tài, đảm bảo đúng định hướng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. VHNT đã phát hiện, khẳng định được rõ các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội. Nhiều tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, phong tục tập quán, góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc mình bằng song ngữ Thái-Việt và Mông-Việt.

Trong nhiệm kỳ, đã có 1.500 tác phẩm được đăng tải trên các tạp chí văn nghệ các DTTS Việt Nam, VHNT Điện Biên và Văn nghệ thành phố Điện Biên Phủ. Một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu như: Quê hương của núi của Mùa A Sấu, truyện cổ dân gian dân tộc Thái Cẩu Tô Cốp (chín con ếch) của Hoàn Tam Khọi, tập thơ Cô gái Xoè của Nguyễn Quốc Chiến, Sử thi Tạo Khun Chương do Lò Ngọc Duyên sưu tầm và giới thiệu, VCD ca nhạc “Em gái rừng Ban” của Quý Giao, tập truyện ngắn của Nguyễn Chuyên Nghiệp, Bắc lời thương của Tòng Văn Hân, múa nhịp trống Hà Nhì của Lù Thị Hiền,… Nhiều tác giả đã có những đóng góp đáng kể trên các lĩnh vực VHNT tỉnh như: Mùa A Sấu, Nguyễn Vân Chương, Trương Hữu Thiêm, Du An, Tòng Văn Hân, Phạm Đức Cư, Chu Thuỳ Liên, Nguyễn Ngọc Lệ, Lê Hải Yến, Nguyễn Chuyên Nghiệp, Lò Đặng Thếm, Lò Ngọc Duyên, Lù Thị Hiền, Mào Văn Ết, Trần Hoa, Lê Anh Tuấn, Quý Giao, Vương Khon, Thanh Sơn…

Về công tác xuất bản, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm, kinh phí, song nhiều tác giả đã có những xuất bản riêng với các lĩnh vực như: Văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, múa, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghiên cứu, sưu tầm dân gian…Tiêu biểu như một số tác giả viết về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc, bước đầu đã có những thành công nhất định, mang đậm giá trị nhân văn và chất liệu của cuộc sống như: “Trăng trong mây”, “Trận rồng lửa” của Bùi Văn Vân. Một số đề tài xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, văn hoá du lịch, chống tham nhũng như: Đất lành của Duy Tiến, Ác mộng của Chuyên Nghiệp…Về thơ tiêu biểu có truyện thơ “Cô gái xoè” của Nguyễn Quốc Chiến, “Huyền thoại U Va” của Tòng Văn Hân, “Thuyền đuôi én” của Chu Thuỳ Liên; tác phẩm “Quê hương núi” của Mùa A Sấu là chùm thơ xuất sắc được Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trao tặng.

Về âm nhạc, nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng ở Trung ương và địa phương như: “Bánh xe mặt trời” của Thanh Sơn, “Em gái rừng Ban” của Quý Giao, “Điệu xoè thương nhau” của Vương Khon…Về nhiếp ảnh có 400 tác phẩm tham gia các cuộc Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 90 ảnh được chọn treo, 70 ảnh được đăng trên tập sách ảnh “Điện Biên ngày mới”, các tác giả tiêu biểu trong lĩnh vực này là Tô Hợp, Lê Anh Tuấn… Về mỹ thuật có hơn 74 tác phẩm được chọn treo tại các triển lãm khu vực và trong tỉnh các tác phẩm xuất sắc, phải kể đến là Trần Hoa, Lê Anh Tuấn, Tòng Văn Phin… Lĩnh vực múa – biểu diễn nổi bật có Thanh Hương, Quý Giao, Kim Oanh, Lù Thị Hiền… Ngoài ra, còn một số lĩnh vực khác như: Văn nghệ dân gian, điện ảnh đã góp phần tích cực vào việc nhân rộng, giữ gìn, bảo tồn, các giá trị bản sắc các dân tộc của tỉnh.

Tại Đại hội, 5 đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Điện Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2014-2019; đồng chí Mào Văn Ết được bầu làm Chi hội trưởng./.

 

Khánh Toàn
                                                                           Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên

.