Đầu năm vui hội đua thuyền

Chủ Nhật, 18/01/2015, 17:59 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2015, thị xã Mường Lay tưng bừng, rộn rã trong hội đua thuyền đuôi én lần đầu tiên được tổ chức. Đây là việc làm không những bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương mà còn là dịp để Mường Lay quảng bá hình ảnh của mình và là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.

cs
Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay lần thứ nhất năm 2015

 

Thị xã Mường Lay trong những ngày đầu xuân năm mới khoác lên mình một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của vùng đất mùa nước nổi. Màu của cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các ngả đường pha lẫn cùng màu xanh biếc của nước hồ Nậm Lay, tạo nên bức tranh thủy mặc đầy mê hoặc. Với phần lớn là đồng bào dân tộc Thái trắng sinh sống nên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng nơi đây nổi bật và đặc sắc hơn cả. Trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử, cộng đồng dân  tộc Thái nói chung có nhiều kinh nghiệm trong việc đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng. Đặc biệt người Thái sống ven sông Đà chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt tôm cá. Bởi vậy, từ bao đời nay, bà con rất gắn bó với sông nước và chèo thuyền là công việc thường ngày, trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Đua thuyền giữa các thôn bản trong dịp đầu xuân năm mới cũng bắt nguồn từ tập quán sinh sống đó và bên cạnh đó¸không khí hội hè vui vẻ cũng khiến họ thêm lạc quan, yêu đời hơn.  

Trong quá trình phát triển của thị xã trải qua những biến động lớn như trận lũ lịch sử năm 1990 đã tàn phá nhiều công trình công cộng, nhiều bản của dân tộc Thái ven con suối Nậm Lay. Mới đây là thực hiện di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, kiến thiết đô thị mới, bà con các dân tộc trên địa bàn thị xã Mường Lay đã có sự xáo trộn lớn về chỗ ở, đồng thời cùng nằm trong xu thế chung đó là sự hòa nhập với văn hóa bên ngoài nên nhiều nét đẹp văn hóa truyền thồng vốn có đã bị mai một, trong đó có lễ hội đua thuyền. Đến nay, thị xã Mường Lay cơ bản đã thực hiện xong công tác tái thiết đô thị, khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Nhân dân từng bước ổn định tại nơi ở mới, các nét đẹp trong văn hóa sông nước và thói quen sinh hoạt gắn liền với những chiếc thuyền đang được hình thành lại đối với người dân nơi đây. Chính vì lẽ đó, thị xã đã phục dựng và tổ chức lễ hội đua thuyền đuôi én trong những ngày đầu năm 2015 nhằm góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Thái nói chung và người Thái trắng trên địa bàn nói riêng. Việc tổ chức lễ hội đua thuyền là một việc làm vô cùng có ý nghĩa để nhớ về quá khứ và tự hào về văn hóa tốt đẹp của người dân ven sông suối. Đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng 2020”.

Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, cho biết: Trong quá trình thực hiện tái thiết đô thị gắn với công tác di dân tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay đến giờ phút này, nhân dân trên địa bàn đã cơ bản ổn định đời sống và sản xuất. Trước nhiệm vụ mới, cấp ủy, chính quyền thị xã Mường Lay thấy việc cần phải xây dựng hoàn thiện và phát huy bản sắc dân tộc trên địa bàn, qua đó thị xã đã xin chủ trương của tỉnh và được sự đồng ý của tỉnh, đến nay sau 5 tháng làm công tác chuẩn bị thị xã Mường Lay đã tổ chức được Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ nhất năm 2015. Việc tổ chức Lễ hội góp phần quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa cũng như con người thị xã Mường Lay tới mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế, trở thành nét đẹp văn hóa thể thao truyền thống đáng trân trọng, giữ gìn và phát triển. Đây cũng là tiền đề để phát triển văn hóa và du lịch trong những năm tiếp theo.

cs cs
Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia cổ vũ

 

Lễ hội đua thuyền thị xã Mường Lay lần thứ nhất năm 2015 được diễn ra với phần lễ tiêu biểu đặc trưng cho người Thái trắng trên địa bàn và phần hội với các màn thi đấu sôi nổi của 9 đoàn vận động viên tham dự đua thuyền, thi đấu 3 môn thể thao dân tộc với 230 vận động viên tham dự. Do lần đầu tiên lễ hội đua thuyền được tổ chức nên người dân thị xã rất hào hứng, nhất là đối với các tay chèo của đội đua. Để chuẩn bị cho hội đua thuyền, các đội đua của thị xã Mường Lay đã tuyển chọn những chàng trai khỏe mạnh, giỏi bơi lội và thành thạo thuyền bè để thành lập đội đua. Trước khi bước vào đua chính thức, hàng ngày cứ vào mỗi buổi chiều thì các tay chèo lại tập trung luyện tập cho đồng bộ và tăng thêm sức dẻo dai. Anh Điêu Văn Phòng, Đội đua thuyền phường Sông Đà, TX.Mường Lay, chia sẻ: Qua quá trình tập luyện anh em trong đội đua lúc nào cũng tập luyện hết mình nhằm đạt kết quả cao trong hội thi.

Thuyền đua có dáng thon và nhẹ được người thợ khi đóng thuyền tính toán rất kỹ lưỡng để sao khi đua thuyền lướt được nhanh giành chiến thắng. Đặc biệt với phần đuôi én ở phần đuôi thuyền đã làm cho người xem có cảm nhận khi thuyền đang đua giống như những cánh én mùa xuân đang lướt nhanh trên sông. Trong mỗi cuộc đua, tất cả các tay đua đều đem hết tài sức của mình để tranh đua thứ hạng sao cho thuyền của mình được về nhất. Dù thuyền nào về trước hay về sau theo quan niệm của người dân đều do các vị thần sắp đặt và dự đoán cho một năm mới được mùa, bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa.

Khi hội đua diễn ra, hàng nghìn người dân từ già đến trẻ đều tập trung dọc 2 bên bờ Nậm Lay để tham dự buổi lễ tế thần sông nước thể hiện tấm lòng thành trước các vị thần đã che chở họ trong cuộc sống, đồng thời còn góp phần thắt chặt hơn nữa sợi dây đoàn kết của cộng đồng, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Sau khi kết thúc các nghi lễ, thuyền đua về vị trí xuất phát theo quy định. Trống lệnh nổi lên, thuyền đua xé nước lao vun vút trong tiếng trống liên hồi giục giã, tiếng reo hò của người xem hội làm vang động cả một vùng sông nước. Bà Khanh – một người dân sinh sống ở Mường Lay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cho biết: Tôi đến từ rất sớm và không cổ vũ cho riêng đội nào mà cổ vũ cho tất cả đội đua. Tôi rất phấn khởi và tự hào được sinh sống ở đây. Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ duy trì hoạt động này trong những năm tiếp theo."

Trong mỗi bước đường đi lên của thị xã, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa các dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phòng trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào sâu rộng, đều khắp, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để bảo tồn và phát triển nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Thông qua lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã lần thứ nhất, không chỉ phục dựng, bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Thái trắng mà còn là hoạt động thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người và những giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc thị xã Mường Lay đến với bạn bè trong và ngoài nước. Lễ hội đua thuyền lần này là một trong những tiền đề khởi đầu thực hiện công tác phát triển du lịch và phong trào toàn dân chung tay giữ gìn, bảo tồn, phát huy môn đua thuyền truyền thống trong thời gian tới. Từ lễ hội này, các cấp ngành cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, đặc biệt là bộ môn đua thuyền đua én để phong trào thực sự phát triển bền vững.

Lễ hội đua thuyền đầu năm ở thị xã Mường Lay thật sự là nét sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống hết sức sôi nổi mà ít nơi có được. Lễ hội đã lôi cuốn đông đảo người dân địa phương và khách thập phương, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi cho người dân nơi ngã ba sông trong dịp Tết đến, Xuân về. Từ mùa xuân năm nay, lễ hội đua thuyền ở Mường Lay sẽ được duy trì và phát huy để người dân cùng du khách thập phương ngắm nhìn vẻ đẹp của thị xã mùa nước nổi, cùng ôn lại các nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức không khí náo nhiệt trong cuộc đua tài, góp phần gìn giữ các di sản văn hóa dân tộc mãi trường tồn./.

 

Lường Hương – Trọng Lâm
 

.