Mùa xuân tìm đến Hội pao
Điện Biên TV - Xuân về, khi những nụ hoa đào, hoa mận rung rinh trước nắng vàng trải dài trên những núi đồi, việc thu hoạch lúa, ngô trên nương đã vừa xong, cũng là lúc các chàng trai, cô gái Mông chuẩn bị những bộ quần áo mới để đi chơi xuân.
Trong những ngày tết đón năm mới, hội xuân của các bản, làng vùng cao của đồng bào dân tộc Mông không thể thiếu trò chơi ném Pao. Quả Pao trao đi trao lại gửi gắm bao tình yêu lứa đôi. Bằng lòng thì ánh mắt đong đưa, quả pao ném cũng đong đưa theo ánh mắt ấy, còn chê nhau thì ánh mắt nhìn xa, quả pao lại bay đi đâu mất... “Anh ném pao/ Em không bắt/ Em không yêu/ Quả pao rơi rồi...”.
Ánh mắt long lanh đuổi theo trái pao trao đi trao lại, Hạng Thị Pàng, ở bản Vùa 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa xinh như bông hoa đào giữa núi rừng Tây Bắc. Hòa mình vào ngày hội ném pao của người Mông Tủa Thàng, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Pàng bẽn lẽn thẹn thùng trong trắng pha chút mộc mạc của con người nơi đây. Ngoài kia, đám trai gái cười đùa và tung những quả pao bay trong trời xanh thẳm của nơi vùng cao.
Hội pao xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trò chơi ném pao của người Mông thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, trong các lễ hội. Sân chơi ném pao là nơi tương đối bằng phẳng, sườn dốc thoải hoặc trên những mảnh ruộng bậc thang. Quả pao được khâu chắp bằng vải, bên trong có độn giẻ hoặc nhồi tro, cát. Trò chơi ném pao đối với người Mông, ai cũng biết vì nó rất đơn giản chỉ ném quả pao từ khoảng cách 5-7m từ tay người này sang tay người kia. Chơi ném pao bao giờ cũng có đôi, một người ném, một người bắt. Nếu ai bắt trượt thì người đó thua. Người thua phải hát một bài dân ca, thổi một bài sáo, nhảy lò cò quanh sân... tùy thuộc vào quy ước của hai người hoặc của cả hội ném pao.
Đối với thanh niên nam nữ, hội ném pao là dịp để họ tìm hiểu nhau, nếu có tình ý có thể tặng nhau những kỷ vật để làm tin. Vì thế, ném pao không chỉ đơn thuần là trò chơi mà ẩn chứa trong đó bao điều lý thú. Ban đầu, họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ nào thích nhau sẽ ném quả pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả pao của người kia ném sang. Sau khi chơi ném pao đã tìm được bạn tình thì người Mông bắt đầu kéo vợ, nhưng đa số những cuộc tình ném pao đều không trọn vẹn bởi chỉ là tình cảm bột phát nhất thời, nhưng đã để lại những hoài niệm khó phai trong cuộc đời người Mông.
Tiếng khèn trong ngày hội xuân. |
Ngày nay đi Hội pao có khác xưa một chút, theo các người gia kể lại, ngày xưa, người đàn ông Mông đi tìm vợ, đi hội đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của người đàn ông và người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự mềm mại, vừa là trò chơi, vừa là vật trang sức của phụ nữ Mông trong các cuộc vui. Việc quan trọng nhất của thiếu nữ Mông là phải biết xe lanh dệt vải may váy và làm quả pao. Người đàn ông Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá.
Tiếng khèn vang lên, tiếng đàn môi xen tiếng lao xao của gió xuân báo hiệu xuân đã về trên khắp bản làng, mời gọi những chàng trai cô gái Mông thao thức tìm về Hội pao.
Thu Thủy